Sau một loạt hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ – Triều, không nghi ngờ gì nữa, vấn đề trọng tâm là “phi hạt nhân hóa”. Nhưng tại sao khi ta nói đến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là nói về “phi hạt nhân hóa”, trong khi các trường hợp tương tự trước đây, như tại Libya hay Iraq, người ta lại nói bằng những khái niệm khác như “giải giáp” hoặc “không phổ biến”?
Tương tự, liệu phi hạt nhân hóa có phải là cách tiếp cận đúng, hoặc có thể tạo ra các kết quả tích cực và lâu dài mà ông Moon, ông Trump và nhiều người khác mong muốn? Nếu không, giải pháp thay thế sẽ là gì? Để trả lời các câu hỏi này, hãy nhìn lại lịch sử.
Trong thời cao điểm Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã triển khai một loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược tại Hàn Quốc, với con số cao nhất là hơn 900 loại vũ khí vào cuối những năm 1960. Các vũ khí hạt nhân này vẫn ở lại Hàn Quốc cho đến đầu những năm 1990.
Đối mặt với lực lượng quân sự vượt trội như vậy ngay sát biên giới của mình, Triều Tiên tất nhiên cảm thấy rõ sức ép. Họ đã tính đến việc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành ngay từ thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh đã từng đưa ra một ý tưởng thay thế: một vùng không có vũ khí hạt nhân (NWFZ) trên bán đảo Triều Tiên.
Có một số tiền lệ của kiểu khu vực như vậy, trong đó các nước láng giềng, các khu vực hay toàn bộ châu lục đã nhất trí không triển khai vũ khí hạt nhân ở sân sau của mình. Toàn bộ châu Phi, Trung Á, và một phần lớn Đông Nam Á, Mông Cổ, cũng như toàn bộ Mỹ Latinh đều đã nhất trí lập các vùng NWFZ mà các bên đều có lợi này.
NWFZ được quốc tế mong đợi và có thể được củng cố bởi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các tuyên bố quốc tế, và/hoặc các nghị quyết của LHQ. Bên cạnh đó, NWFZ tạo ra một nền tảng an ninh, trong đó sự an toàn của các thành viên là liên đới và phụ thuộc lẫn nhau.
NWFZ không chỉ giúp xóa bỏ nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do việc hoạch định chính sách vội vàng, sử dụng trái phép, hoặc các sự cố, mà nó còn giúp đẩy lùi nhân tố đe dọa các nước láng giềng hoặc các quốc gia có quan hệ không tốt.
Tuy nhiên, ý tưởng về một NWFZ cho bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ được Mỹ và tổng thống thời đó George H. W. Bush cân nhắc một cách nghiêm túc. Mặc dù vậy, những năm 1990, ông đã đồng ý rút toàn bộ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi Hàn Quốc và tìm cách dập tắt căng thẳng đang leo thang liên quan đến việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Ban đầu, điều này dường như phát huy tác dụng, dẫn tới việc hai miền Triều Tiên ký kết Tuyên bố chung 1992 về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; về cơ bản là đã đồng ý biến bán đảo này thành một NWFZ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta đều thấy rõ rằng khái niệm “phi hạt nhân hóa” này được các bên (Mỹ – Hàn – Triều) hiểu theo cách khác nhau.
Thứ trưởng Quốc phòng của ông Bush, là Paul Wolfowitz, lập luận rằng Mỹ sẽ không thể “tiêu hóa” được khái niệm Triều Tiên trở thành một nhà nước hạt nhân, cũng như một khu vực không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thay vào đó, ông gợi ý rằng Washington nên tập trung vào một chính sách phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Cây gậy phi hạt nhân hóa này đã được chính quyền tân bảo thủ của Tổng thống George W. Bush (Bush con) sử dụng năm 2003. Họ đã đẩy chính sách phi hạt nhân hóa lên một mức mới: CVID (tức là phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: TTXVN |
Nhiều điều đã thay đổi đối với hai miền Triều Tiên, và Mỹ, kể từ sau thời cha con ông Bush. Tuy nhiên, niềm tin vững chắc rằng “phi hạt nhân hóa” là khái niệm, cách tiếp cận đúng đắn để giải quyết với Triều Tiên, và con đường đúng để tăng cường an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên vẫn mạnh mẽ như xưa. Mặt khác, Mỹ không hề muốn đồng ý với một NWFZ trên toàn bán đảo Triều Tiên. Nhưng tại sao vậy?
Trước tiên, để một NWFZ được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ buộc phải thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân - điều mà Washington cho đến nay rất không muốn làm.
Thứ hai, Triều Tiên đã đặt điều kiện cho việc phá bỏ vũ khí hạt nhân của mình từ năm 2016, bao gồm: Mỹ và Hàn Quốc phải chấp nhận sự kiểm chứng quốc tế về việc vũ khí hạt nhân từng đưa tới Hàn Quốc phải được rút về hoàn toàn, và phải rút toàn bộ vũ khí hiện đang còn; Đảm bảo rằng Mỹ sẽ không bao giờ triển khai trở lại các vũ khí tấn công hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận; Cam kết rằng không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống Triều Tiên; Tuyên bố rút binh lính Mỹ, vốn đang có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc.
Nói ngắn gọn là một vùng không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ tạo ra các nghĩa vụ không chỉ đối với Triều Tiên, mà cả Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, các điều kiện trên ít khả năng sẽ được Mỹ quan tâm hay chấp nhận. Họ hiện đang có những lợi thế chiến lược lớn khi cho quân đội đồn trú và triển khai khí tài quân sự tại Hàn Quốc.
Không chỉ Washington sẽ không sẵn lòng từ bỏ dễ dàng các lợi thế này, mà một khi vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như mối đe dọa mà các vũ khí này gây ra, biến mất thì tính hợp pháp và lý do cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc cũng sẽ không còn.
Tóm lại, mọi chuyện không hề dễ dàng đối với Mỹ, ngay cả dưới thời Tổng thống Trump, người có cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Triều Tiên khác biệt so với những người tiền nhiệm.
Một người chơi quan trọng khác, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, từng nói rằng cần các bước đi “sáng tạo” và “lớn” để tìm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên. Liệu đây có nên được hiểu là cách tiếp cận một chiều về phi hạt nhân hóa sẽ không còn chỗ đứng?
Ông Trump nổi tiếng là một nhà thương thuyết tài ba, vì vậy hẳn là ông biết rằng các thỏa thuận đều cần sự thỏa hiệp giữa cho và nhận. “Phi hạt nhân hóa” không đòi hỏi bất cứ sự nhượng bộ nào từ Mỹ hay Hàn Quốc, chỉ Triều Tiên bị đòi hỏi. Trong khi đó, một khu vực không có vũ khí hạt nhân đòi hỏi sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ tất cả các bên, mọi người đều phải kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình.
Cách tiếp cận NWFZ có lẽ là “quân bài” mà Mỹ có thể “xuất” để tạo tiến triển trong việc giải đáp bài toán hạt nhân hóc búa kéo dài./.
Diệu An