Mỗi ngày của Phượng Mùi Mấy (26 tuổi, quê Hà Giang) tạm trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 23h.
Trong căn phòng trọ ẩm thấp, Mấy loay hoay chuẩn bị quần áo, bỉm sữa, thuốc men… cho con gái 1 tuổi đến trường. Con của Mấy thường ốm vặt, ho về đêm do thời tiết nồm ẩm.
“Phòng trọ bé, thấp, tối mà vào mùa nồm ẩm thì trẻ con, người sức khỏe yếu không chịu nổi. Nhưng, giá thuê rẻ, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, phù hợp với thu nhập của tôi”, Mấy tâm sự.
Năm 2017, cô gái dân tộc Dao xuống Hà Nội học đại học, ngành Công nghệ thông tin. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô phải làm thêm, kiếm tiền đóng học phí.
Mấy làm thêm đủ việc nhưng gắn bó lâu nhất với nghề shipper. Công việc giao hàng giúp cô có thu nhập ổn định, thời gian linh động.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, Mấy dễ dàng tìm được công việc nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, mức lương ở đây không đủ trang trải, Mấy quyết định nghỉ làm, về quê tìm cơ hội.
Về Hà Giang, Mấy yêu và lấy một chàng trai cùng quê. Thế nhưng, cả hai chia tay khi Mấy mang thai.
“Ở quê có tục ở rể nhưng nhà chồng có mỗi chồng tôi là con. Họ không muốn cho con trai đi ở rể.
Gia đình tôi rất khó khăn. Bố mẹ cũng có một mình tôi. Ông bà không muốn con gái làm dâu, mong muốn về già có người chăm sóc.
Hai bên không tìm được tiếng nói chung. Thế nên, vợ chồng tôi quyết định dừng lại”, giọng Mấy chùng xuống.
Dù đang mang thai nhưng ở quê không có thu nhập, Mấy đành xuống Hà Nội làm shipper. Cô chạy xe giao hàng đến cận ngày dự sinh. Để dành được ít tiền, cô về quê sinh con.
Sinh con được 3 tháng, Mấy đưa bé về lại Hà Nội để tiếp tục làm shipper. Ban đầu, mẹ và em họ đi theo, trông cháu giúp cô. Đến khi bé được 10 tháng tuổi, cô gửi con cho nhà trẻ tư để đi làm.
Cùng con bươn chải mưu sinh
Dù chọn cách chia tay nhưng Mấy và chồng cũ vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Người này vừa mới xin được việc nên chưa thể hỗ trợ vợ cũ nuôi con.
Hai bên gia đình vất vả, quanh năm bám nương rẫy, không có thời gian chăm cháu. Thế nên, Mấy xác định con theo họ mẹ thì chỉ ở với mẹ, không hy vọng được người khác hỗ trợ.
Vì có con nhỏ, Mấy không nghĩ đến chuyện xin công việc văn phòng cho ổn định. Cô vẫn chọn gắn bó với nghề shipper để có thời gian chăm con. Những hôm con ốm mệt, cô có thể nghỉ làm mà không bị gò bó.
Hiện tại, thu nhập từ việc giao hàng giúp mẹ con Mấy đủ sống. Biết cô làm mẹ đơn thân, nhà trẻ chỉ nhận 50% tiền học phí. Hàng tháng, tổng chi tiêu của hai mẹ con hơn 9 triệu đồng. Những lúc thiếu hụt, cô được người quen thương yêu, giúp đỡ.
Từ 7h-16h, Mấy gửi con ở nhà trẻ. Sau đó, cô rước con về nhà tắm rửa, cơm nước. Đến 18h, cô lại chở bé đi theo giao hàng.
Lúc bé còn nhỏ, Mấy địu con trước ngực. Khi bé cứng cáp hơn, cô mua chiếc ghế nhỏ cho con ngồi.
Bé gái 1 tuổi dường như hiểu được nỗi khổ của mẹ. Bé ngoan ngoãn, hợp tác, ít khi quấy khóc. Buồn ngủ, bé tựa đầu vào bụng mẹ thiếp đi một chút. Đủ giấc, bé thức dậy chơi, bập bẹ tập nói cùng mẹ.
“Nhiều lúc ngồi lâu, bé mỏi, đứng dậy khóc. Tôi phải một tay ôm con, một tay lái xe. Được một đoạn, con hết quấy, ngoan ngoãn ngồi xuống ngó nghiêng đường phố”, Mấy tâm sự.
Những ngày đầu đông, Mấy chưa quen ai nên mưa rét cũng đưa con đi làm cùng. Về sau, một vài chị sống gần nhà trẻ thấy thương, nhận trông hộ bé buổi tối.
Thấy Mấy chở con gái nhỏ theo cùng, khách hàng ngạc nhiên: “Ôi, em cho cả bé đi à, thương quá!”. Họ chọn cách tip cho Mấy 5.000 – 10.000 đồng để động viên.
Để lưu lại hành trình gian khó của hai mẹ con, Mấy thường quay các clip nho nhỏ và đăng trên trang cá nhân. Bất ngờ, những clip này được cộng đồng mạng chú ý.
Dưới những clip của Mấy, cộng đồng mạng có nhiều bình luận thương cảm nhưng cũng không ít người nói lời khó nghe.
Lúc đầu, Mấy thường rất buồn khi đọc những bình luận tiêu cực. Bây giờ, cô không để ý đến nữa, chăm chỉ làm việc của mình.
“Hoàn cảnh của mình thì cũng chỉ mình biết rõ. Tôi cũng xót con nhưng biết làm thế nào, thôi số phận như thế, mình phải cố gắng”, Mấy buồn bã.
Tính đến nay, mẹ con Mấy rong ruổi mưu sinh bên nhau đã được 4 tháng. Đôi lúc mệt, Mấy ứa nước mắt nhưng nhìn con, cô lại vui. Cô tự nhủ cố gắng kiếm tiền, rồi học thêm một nghề ổn định. Khi đó, mẹ con không phải theo nhau vất vả như bây giờ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Chị Phượng Mùi Mấy, số điện thoại 0339960888 2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2024.094 (chị Phượng Mùi Mấy) Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội - Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET - The currency of bank account: 0011002643148 - Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNV X - Qua TK ngân hàng Vietinbank: Chuyển khoản: Báo VietNamNet Số tài khoản: 114000161718 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa - Chuyển tiền từ nước ngoài: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch - Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội - Swift code: ICBVVNVX126 3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet: - Phía Bắc: Địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. - Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 19001081 |