Trước hết nói về hoa. Trước 2010, chúng tôi tổ chức một đường hoa quanh rất đẹp quanh Bờ Hồ. Tầm 8h tối, tôi vẫn còn đang ở văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội thì có anh em chạy vào gọi: “Anh ơi tan nát hết rồi”.

Tôi chạy ra nhìn đường hoa mà ứa nước mắt. Không thể tưởng tượng nổi. Người ta ngang nhiên bẻ hoa, lấy cả cụm như chỗ không người, mặc anh em bảo vệ ngăn cấm. Hoa tuylip bị lấy hàng mảng. Người lấy, nam phụ lão ấu đủ cả, hỉ hả vì tự nhiên mình có chậu, cây hoa đẹp mà không mất tiền mua.

Những người cướp hoa không coi hành vi đó là trộm cắp. Nhưng lấy cái không phải của mình một cách trắng trợn mà còn vui vẻ, hãnh diện thì chỉ có thể là hành vi ăn cướp, là sự xuống cấp của nhân cách. Xã hội thấy mà im lặng thì đó là tình trạng đáng báo động. 

Thế rồi chúng tôi bị cấp trên phê bình một trận “lên bờ xuống ruộng” vì đã để cho một chuyện tệ hại như thế xảy ra, làm mất hình ảnh người Hà Nội thanh lịch văn minh. Phải tốn thêm bao tiền của, công sức mới chỉnh trang lại được đường hoa cho mọi người tham quan, nhưng trong lòng chúng tôi đã mất hết nhuệ khí. Rồi sau ngày ấy, không ai dám nghĩ đến một cuộc chơi như thế nữa vì tâm lý “ không bôi mỡ lên người cho kiến nó đốt”. 

{keywords}

Mỗi đêm bị mất trộm 5-10 bầu hoa, có hôm tới 20 bầu nên để khỏi bị phạt, các công nhân phải ngủ ngoài trời lạnh 6 độ C canh hoa ven hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Zing News (tháng 2/2016)

Thứ hai nói về bóng đá. Bóng đá nước nhà năm nay thật tuyệt vời. Chiến công vô địch Đông Nam Á, vào tứ kết châu lục khiến người ngoài cũng phải ngước nhìn.

Những điều đó hẳn không cần khẳng định thêm nhiều. Điều tôi muốn nói là tinh thần thi đấu, thái độ tận hiến của các em cho danh dự đất nước, là thái độ tôn trọng nghề các em đã chọn và người hâm mộ.

Còn nhớ mới cách đây chưa lâu lắm, có cầu thủ đã giấu hộ chiếu để khỏi phải lên đội tuyển, có cả thần đồng bóng đá bán độ, có cả huấn luyện viên móc ngoặc, mua điểm, có cả trọng tài dàn xếp tỉ số... mà gần đây mới lộ ra.

Không phải lứa cầu thủ hiện tại sinh ra đã tài giỏi, bản lĩnh và trong sạch thế, mà các em biết vượt lên trên những cám dỗ để sống làm nghề chuyên nghiệp, trung thực và vì thế các em được tin yêu. Không mắc bệnh ngôi sao, không đặt cá nhân lên trên mọi người, các em đặt danh dự, vinh quang của đội bóng và cao hơn là đất nước lên đầu.

Thua trận, các em xin lỗi mọi người vì không thể thắng nhưng cứ nhìn cách các em thi đấu, người hâm mộ càng tin yêu các em hơn. “Hoàng đế” Beckenbauer khi bị gẫy tay đã buộc cánh tay vào thân mình vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ lá chắn thép cho đội Đức. Ông ấy biết đồng đội cần mình dù ông có quyền rời sân.

Bóng đá không chỉ là một môn thể thao. Cầu thủ không chỉ là người chơi bóng. Đội bóng không chỉ là mấy chục con người chỉ biết đá bóng. Đó là một xã hội thu nhỏ. Những thử thách khắc nghiệt trong cuộc chơi này không chỉ cần đến mồ hôi, sức lực mà còn có cả những thứ lớn hơn nhiều, đôi khi là cả một đời người. 

{keywords}
Dù thua trước đội tuyển Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam vẫn làm người hâm mộ cả nước nức lòng vì những gì các cầu thủ đã cống hiến. 

Vinh quang và cay đắng, có cả. Cái đọng lại cuối cùng ở một danh thủ, một đội bóng là các danh hiệu nhưng để làm nên danh hiệu lại là nhân cách, bản lĩnh đủ để có danh hiệu.

Và những ứng xử của xã hội với môn thể thao vua cũng cần phù hợp. Thái quá cũng dở mà bất cập càng dở. Đến đâu là vừa, thế nào là đúng mức để không bị lố. Những cái được và mất qua vụ ứng xử với U23 đã rõ cả rồi. Vấn đề là đừng làm cho bóng đá nước nhà chệch hướng.

Thực ra cách để đến thành công thế giới đã làm cả rồi, ta cứ lựa cách nào phù hợp mà làm. Bài học nhãn tiền từ bóng đá là cái nhìn chiến lược, bắt tay vào làm thực, chọn người giao việc. Không có vinh quang nào tự nhiên rơi trúng đầu mình cả, không có thành công nào dễ dãi, không có cái gì làm giả mà đòi ăn thật được.

Văn hoá bóng đá cũng là văn hoá đào tạo nhân tài, văn hoá quản trị xã hội, văn hoá cố kết cộng đồng, văn hoá phát triển bền vững. Đội tuyển ta hiện nay giỏi vì đã có người âm thầm chuẩn bị từ nhiều năm trước, phát hiện và bồi dưỡng họ, có HLV giỏi.

Nói ngắn gọn phải có người tài ở vị trí chỉ huy mới sử dụng được nhân tài, để những mầm, nụ tài năng trở thành tài năng thực sự cống hiến cho đất nước. Khó lắm thay nhưng cũng tràn đầy hi vọng. Vì hi vọng cũng là một cách hướng đến tương lai.

Và nhìn thật sâu thì cách người ta ứng xử với đường hoa năm nào, hay rộng hơn là với tài sản công cộng chính là văn hóa. Cách người ta ứng xử với bóng đá cũng là văn hóa. Để thay đổi những quan niệm sai lầm trong ứng xử, để chấn hưng văn hoá, biến nó thành nguồn lực cũng như mục tiêu để phát triển xã hội lại cũng cần bắt đầu từ văn hoá. Thay đổi nhận thức, thay đổi hành động theo những chuẩn mực là điều cần thiết. Muốn làm được điều này cần rất nhiều thời gian, rất nhiều công sức, tiền của, nhất là rất nhiều sự kiên tâm, nhưng không thể không làm. 

Phạm Quang Long