Sáng 11/10, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 với chủ đề quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hoá quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên để quy hoạch
Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch cần lựa chọn các địa phương có cùng điều kiện tự nhiên, thế mạnh tương đồng, phân vùng để hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Do vậy, quyết định phân các tiểu vùng là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cần đưa ra những vấn đề ưu tiên, tạo ra những động lực, lan toả, kết nối.
“Cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để quy hoạch, ví dụ như ưu tiên dự án có tính động lực vùng. Thay vì ưu tiên cho từng địa phương thì nay lựa chọn công trình liên địa phương, giải quyết bài toán nguồn lực hạn chế, đầu tư dàn trải”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung đề xuất phân 3 tiểu vùng kinh tế. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá đến Quảng Trị. TP Vinh (Nghệ An) là trung tâm tiểu vùng Bắc Trung Bộ.
Tiểu vùng Trung Trung Bộ: Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Trong đó Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch…
Tiểu vùng Nam Trung Bộ: Từ Phú Yên đến Bình Thuận. Khánh Hoà là đô thị thông minh, kết nối quốc tế, là một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế biển của tiểu vùng.
Dự thảo quy hoạch cũng đề xuất có một khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại Quảng Nam và 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đảm bảo quy hoạch vùng đảm bảo khả thi, Bộ trưởng đề nghị các thành viên hội đồng, đại biểu cho ý kiến về việc xác định các mũi trọng tâm cần giải quyết; các cực tăng trưởng, các ngành ưu tiên có lợi thế của vùng; định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển; việc phân vùng đã phù hợp hay chưa…
“Tỉnh nào cũng có thể phát triển sân bay, cảng biển, du lịch, năng lượng tái tạo…nhưng không có nghĩa tỉnh nào cũng làm. Cần xác định cái nào là trung tâm, cái nào là bổ trợ. Nếu chỉ nhìn riêng mỗi địa phương sẽ rất khó để phát triển vùng, thậm chí triệt tiêu các lợi thế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến.
Góp ý dự thảo Quy hoạch vùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nằm trải dài cho nên câu chuyện liên kết vùng không dễ. Theo ông, liên kết phải có tính chất lịch sử chứ không phải chỉ liên kết tự nhiên.
Đồng ý việc chia ra 3 tiểu vùng
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh bày tỏ, trong 3 năm qua, địa phương mất nhiều thời gian cho việc xây dựng quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng lại chưa làm việc với địa phương thì làm sao có thể có quy hoạch khớp nối, chất lượng và phù hợp. Chẳng hạn trong quy hoạch chưa đề cập đến trung tâm chế tạo thép, đóng tàu chủ lực ở Quảng Ngãi.
“Tôi tha thiết đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật các nội dung quy hoạch tỉnh” - lời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng cho rằng, đáng ra đơn vị tư vấn phải làm việc với địa phương trước khi đưa ra báo cáo quy hoạch. Theo ông, quy hoạch vùng vẫn chưa nêu được đột phá để phát triển nhanh, bứt phá ngay trong giai đoạn trước mắt để thu hút đầu tư. Phải làm rõ những công trình nào là công trình trọng điểm, có khả năng thu hút nguồn lực quốc tế, giảm gánh nặng cho ngân sách. Cần xác định lợi thế từng tiểu vùng, cơ chế cho tiểu vùng phát triển. Ví dụ nếu xác định sân bay Chu Lai là trung tâm phải gắn với cơ chế đặc thù cho nó.
Về đề xuất xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia ở Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết hoàn toàn bất ngờ về việc này. “Nên phân tán, phân bố mỗi địa phương có khu xử lý chất thải rắn chứ không nên tập trung về một địa phương để xử lý. Bởi khi vận hành xảy ra sự cố, hàng loạt địa phương sẽ bị ảnh hưởng”, ông Thanh đề xuất.
Trước ý kiến của bộ ngành, địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, sau hội nghị ngày hôm nay, 14 tỉnh thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về tổ chức kỹ, cùng nhau bàn bạc, thống nhất rõ tiêu chí, sản phẩm vùng.
Phó Thủ tướng đồng ý việc chia ra 3 tiểu vùng. Các tiểu vùng phải xác định được mục tiêu, tiêu chí quốc gia. Có như thế mới tạo ra sự phát triển, không triệt tiêu nhau.
“Tương đồng có cái tốt nhưng nếu không xác định được lợi thế, bản sắc thì sẽ cạnh tranh nhau. Vấn đề trọng tâm, đột phá, lan toả là gì, trong dự thảo quy hoạch hiện nay vẫn chưa rõ. Sau hội nghị, các địa phương phải nhìn nhận trên quan điểm phát triển vùng, chứ không phải trên góc độ từng địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.