Hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 – 12 của Hà Nội vừa quay trở lại trường học trực tiếp sau 8 tháng nghỉ ở nhà phòng chống dịch. Phần nào cảm thấy “ấm lòng vì cuộc sống đang bình thường trở lại”, nhưng chị Phạm Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) khá nan giải trong việc đưa đón con.

“Đứa lớn năm nay học lớp 11 đi học vào buổi sáng, trong khi đứa nhỏ học lớp 7 lại vào buổi chiều. Hai đứa, hai cấp, hai khung giờ học khiến bố mẹ cũng phải “chạy xô”. Buổi sáng, hơn 11 giờ đứa thứ nhất tan học, tôi phải hộc tốc đón về lo ăn uống rồi lại chuẩn bị để đầu giờ chiều đưa đứa thứ hai tới trường. Lịch học hành của các con cũng khiến đảo lộn hết lịch làm việc của bố mẹ”, chị Thanh than thở.

{keywords}
Học sinh đo thân nhiệt, xịt khử khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: Phạm Hải

Theo chị Thanh, việc cho học sinh học nửa buổi như hiện nay rất bất cập với gia đình chị khi bố mẹ phải thấp thỏm chuyện lo cơm nước, đưa đón. “Chưa kể, nếu gia đình nào có nhiều con học lệch buổi nhau thì xác định cứ ở nhà chăm con và đưa đón con cũng hết ngày”, chị Thanh nói.

“Bố mẹ cũng mong con được đến trường, nhưng học trực tiếp kiểu này khốn khổ hơn là học online. Cứ nghĩ con đi học, bố mẹ sẽ được giải phóng, ai ngờ lại như buộc thêm dây vào mình; chạy theo lịch học của các con cũng bở hơi tai”.

Có hai con học lớp 2 và lớp 8, khi nghe tin Hà Nội sắp cho học sinh trở lại trường, chị Đỗ Mai Loan (Đống Đa) vui mừng vì “quãng thời gian con ở nhà học online, mẹ cũng kiệt sức”.

Tuy nhiên, khi con trở lại trường, bà mẹ hai con lại gặp phải “cơn đau đầu” khác là không biết phải xoay sở ra sao.

“Bình thường bố mẹ đi làm, bạn lớp 2 sẽ ở nhà học bài cùng với anh trai học lớp 8. Nhưng giờ khi anh đi học, một mình con phải ở nhà lại khiến bố mẹ cũng không yên tâm. Sáng sớm tôi phải dậy sớm đưa đứa lớn đi học, sau đó mau chóng về nhà để cho đứa bé ăn uống, rồi gửi sang nhà người quen trông giúp.

Cơ quan của mẹ lại cách trường con hơn 10km. Thế là, buổi trưa mẹ lại phi về trường đón đứa lớn, rồi lại đi đón đứa bé về nhà. Quay về công ty cũng mất hơn 1 tiếng, không kịp ăn cơm trưa.

Quả thực, con đi học trở lại, bố mẹ vừa mừng lại cũng vừa lo, bởi việc đưa đón như thế này vất vả và mất quá nhiều thời gian. Nếu tình hình này kéo dài, tôi chưa biết phải xoay sở ra sao”, chị Loan chia sẻ.

Những ngày đầu trở lại trường sau thời gian nghỉ học vì Covid-19 cũng là giai đoạn mà chính các nhà trường gặp không ít khó khăn.

{keywords}
Học sinh đo thân nhiệt trước khi vào trường.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp cho hay, hiện, nhà trường gặp một chút khó khăn với một số trường hợp chưa tiêm vaccine và sợ không dám cho con đi học.

“Số phụ huynh này vừa sợ tác dụng phụ khi tiêm vắc xin, vừa sợ con mắc Covid-19 vì chưa tiêm. Do đó, nhà trường phải hỗ trợ mở lớp trực tuyến cho những học sinh đó và làm dần công tác tư tưởng cho phụ huynh”, ông Tùng nói.

Sáng 8/2, toàn trường có 117 học sinh trên tổng số 2.152 học sinh của 63 lớp từ khối 7 đến khối 12 nghỉ học. Trong đó có 16 học sinh diện F0, 24 học sinh diện F1 có nguy cơ, số còn lại phụ huynh xin phép con nghỉ học 1-2 hôm vì chưa bố trí đưa đón được”, ông Tùng thông tin.

Theo ông Tùng, do học sinh cũng được bố mẹ nhắc kỹ nên không túm tụm tập trung đông người hoặc sang các lớp khác. “Chỉ có lúc tan trường thì hơi đông một chút”.

{keywords}
Sĩ số ở một lớp học sáng 8/2. Ảnh: Phạm Hải.

Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hoài Đức cho hay: “Nếu như trước đây chỉ khối 9 đi học thì chúng tôi còn bố trí được việc mỗi lớp cách nhau một phòng học. Nhưng giờ đây cho toàn bộ học sinh trở lại như thế này thì đành chịu bởi trường không còn thừa phòng học hay diện tích nữa”.

Để hạn chế phần nào nguy cơ lây nhiễm, nhà trường tính sẽ bố trí cho các lớp ra chơi trong lớp, không ra sân trường chung; không tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung diện rộng.

“Nói thật là hiệu trưởng, tôi cũng rất lo. Dịp trước, mỗi khối 9 đi học, trường có 2 phòng cách ly. Giờ học sinh trở lại hết, tất cả đều là phòng học, chúng tôi đang không chỉ có thể sắp xếp 1 phòng y tế để phục vụ cách ly. Đây thực sự là bài toán nhức đầu”, vị này nói.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) nói dù cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đến khi đi vào thực hiện, cán bộ, giáo viên của trường vẫn nhận thấy những khó khăn nhất định của việc dạy học trực tuyến kết nối trực tiếp trên lớp.

“Khó khăn nhất là dạy học hỗn hợp khi lớp có học sinh không thể đến trường vì những lý do như F0, F1, thuộc vùng dịch cấp độ 3,4.  Chúng tôi cũng đã tính đến trường hợp này khi có kịch bản giáo viên dạy học trực tiếp, nhà trường lắp camera để học sinh ở nhà có thể theo dõi, học trực tuyến nhưng đúng như diễn tiến trên lớp. Tuy nhiên, thật không đơn giản cho tất cả từ thiết bị, đường truyền mạng, giáo viên,... vận hành đồng thời trơn tru”.

Nói về việc học sinh tiểu học trở lại trường, Trưởng phòng GD-ĐT một quận nội thành Hà Nội tỏ ra e dè: “Tôi nghĩ cần thời gian nghe ngóng, xem xét thêm. Bởi nếu khi lớp 7-12 còn chưa làm chặt chẽ, nếu thêm học sinh dưới 12 tuổi, số này còn chưa tiêm, thì khi có dịch sẽ phức tạp khó kiểm soát”.

Xem clip học sinh Hà Nội đến trường sáng 8/2:

Thanh Hùng - Thúy Nga

'Tròn xoe' mắt với dòng ghi chép của học trò ngày đầu trở lại trường học

'Tròn xoe' mắt với dòng ghi chép của học trò ngày đầu trở lại trường học

Các học sinh Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã viết lên, chia sẻ những cảm xúc trong ngày đầu trở lại trường trên những mẩu giấy nhỏ.

Ngôi trường ở Hà Nội lần đầu được đón học sinh đi học trực tiếp

Ngôi trường ở Hà Nội lần đầu được đón học sinh đi học trực tiếp

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hôm nay 8/2, nhiều ngôi trường ở Hà Nội mới lần đầu tiên được đón học sinh đến học trực tiếp.