Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 5,64% xuống còn 3,0%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,22% xuống còn 3,02%, đời sống của người nghèo nơi đây đã được nâng lên.
Chị Đàm Thị Tâm, sinh năm 1980, người Cao Lan, sống tại thôn Vĩnh Ninh (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam) là điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi, đưa kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo trong những năm qua.
Sinh ra và lớn lên tại một gia đình thuần nông, cuộc sống của chị Tâm không tránh khỏi những khó khăn, vất vả. Trước đây, gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, loại cây truyền thống của nhiều vùng miền núi phía Bắc. Nhưng với nguồn thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp, gia đình chị gặp nhiều khó khăn về kinh tế, cuộc sống thiếu thốn, vất vả. Năm 2016, gia đình chị vẫn thuộc hộ nghèo trong xã Lục Sơn.
Không chấp nhận ở mãi trong cái nghèo, chị Tâm quyết định mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang cây trồng lâu năm. Với sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và các chính sách hỗ trợ vay vốn, chị đã quyết định đầu tư vào trồng cây ăn quả thay vì trồng lúa. Chăm chỉ, chịu khó, chị Tâm và gia đình đã thành công khi phát triển diện tích trồng nhãn, vải thiều và bạch đàn. Chỉ trong vài năm, mô hình kinh tế trồng gối vụ với những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, từ 200 đến 300 triệu một lần thu hoạch.
Có của ăn của để, chị Tâm cùng chồng xây dựng nhà cửa, cho con cái ăn học đầy đủ rồi tích cóp làm vốn tiếp tục xoay vòng. Đến nay, diện tích vườn của chị đã đạt gần 10ha, bao gồm nhãn, vải thiều, keo, bạch đàn.
Chuyển mình trong kinh tế, chị Tâm thành lập những nhóm tuyên truyền, chia sẻ với chị em phụ nữ về vấn đề làm kinh tế làm sao để đời sống gia đình vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó. Từ việc chăm bẵm cây trồng, đầu ra cho sản phẩm... đều được chị chia sẻ với mọi người.
Không chỉ vậy, nhờ kết nối liên lạc, chia sẻ thông tin qua những ứng dụng, chị đã có những đóng góp cho các lĩnh vực bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống dịch bệnh cùng nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn xã và huyện.
Nhờ những thành tích trên của bản thân, chị Tâm trở thành tấm gương người phụ nữ dân tộc Cao Lan giỏi kinh tế và nhận được nhiều khen ngợi về những đóng góp của mình.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, người phụ nữ dân tộc Cao Lan còn tích cực trong các hoạt động của địa phương trong vai trò là Ủy viên ban thường vụ hội Phụ nữ Xã Lục Sơn và Phó trường thôn Vĩnh Ninh. Có thể kể đến, trong khoảng thời gian năm 2020-2023 chị cùng các ban, ngành, đoàn thể đi vận động bà con trong xã tham gia giúp ngày công cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, các hộ có nhà tạm, dột nát, gia đình chính sách… bằng các việc làm thiết thực như ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng nhà mới giúp các hộ ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó là tham gia các hoạt động nhằm bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa bản sắc của dân tộc Cao Lan nơi chị sinh sống.
Ttháng 11/2023, chị là một trong 40 tập thể, cá nhân điển hình được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen tại hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất. Trải qua hơn 20 năm tham gia công tác xã hội tại cơ sở, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên quê hương, chị Đàm Thị Tâm đã trở thành một hình mẫu phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu, truyền cảm hứng cho chị em trong quá trình học tập, phấn đấu để vươn lên thoát nghèo.
Huyện Lục Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025, Tổ công tác thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Đối với cấp xã, 25/25 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện các Chương trình MTQG; thành lập Ban Phát triển thôn tại các thôn, tổ dân phố; phân công thành viên Ban Chỉ đạo huyện phụ trách xã, thường xuyên phối hợp triển khai thực hiện các nội dung của chương trình; Ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo hằng năm; Hướng dẫn thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo thường xuyên và định kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều.