Lên phương án triển khai chế độ tiền lương mới
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng các văn bản quy định và chuẩn bị các công việc cụ thể để triển khai kịp thời chế độ tiền lương mới khi được Trung ương và Quốc hội thông qua.
Trước đó, thông tin tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, các cơ quan cho biết, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong 3 năm tới (2024-2026).
Trình Trung ương, Quốc hội chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24, quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Qua đó, từ ngày 1/7/2023, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,80 triệu đồng (tăng 20,8%); đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp.
Trong giai đoạn tới, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ 1/7/2024. (Xem thêm)
Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện năm 2023
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt khung giá phát điện năm 2023.
Khung giá được ban hàng năm làm cơ sở cho chủ đầu tư các dự án nhà máy điện thỏa thuận giá điện, ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đảm bảo giá điện không vượt quá khung giá do Bộ Công Thương ban hành.
Theo đó, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện than là 0-1.559,7 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, so với khung giá phát điện năm 2022, giá trần của điện than giảm khoảng hơn 200 đồng/kWh (khung giá năm 2022 là 1.773,76/kWh). (Xem thêm)
Kiến nghị lùi thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đề nghị NHNN khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.
Theo Thông tư 08, ngày 1/10 là thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Tiền gửi tiết kiệm ùn ùn đổ vào ngân hàng
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng liên tục lập kỷ lục mới, bất chấp lãi suất ngân hàng liên tục giảm ở chiều gửi vào.
Tính đến cuối tháng 7/2023, số dư tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng lập kỷ lục mới 6.389.593 tỷ đồng, tăng thêm 6.707 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 8,93% kể từ đầu năm. Sau 1 năm, kể từ cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư đã tăng hơn 752.000 tỷ đồng. (Xem thêm)
Đề xuất giảm thuế VAT tới giữa năm 2024
Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 6 tháng, tức tới giữa năm 2024. Nội dung này nêu tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 5/10.
Thuế VAT đã giảm 2% từ 1/7 với hàng hoá, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% và kéo dài tới hết năm nay, theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 5/10, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cho biết, đơn vị này đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là AIA và Dai-ichi.
Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife và một doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch. (Xem thêm)
'Thay ghế' chủ tịch, CEO nhiều ngân hàng
Kể từ ngày 3/10, ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ông Hải có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Phi Hùng vì lý do cá nhân.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vừa công bố công văn chấp thuận của NHNN về việc bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh giữ chức tổng giám đốc. Vietbank khuyết chức danh này từ tháng 10/2021.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có quyết định cử ông Phạm Duy Hiếu (45 tuổi) - Phó Tổng Giám đốc làm quyền Tổng Giám đốc thay bà Lê Thị Bích Phượng.
Đề nghị thu phí không dừng tại các sân bay
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan tới việc triển khai thu phí không dùng tiền mặt và thu tự động không dừng tại các cảng hàng không. ACV cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
Theo đó, về mặt kỹ thuật, việc sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến RFID để triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không có thể áp dụng cùng với các phương án thu phí hiện nay ACV đang triển khai.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn với lãi suất 1,2%/năm
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, các doanh nghiệp có thể vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất ngắn hạn là 1,2%/năm. Nếu vay trung hạn và dài hạn, mức lãi suất sẽ là 4,4%/năm. Mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 4/10.
Đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ký hợp đồng cho vay gián tiếp trước khi Quyết định có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng mức lãi suất cho vay theo hợp đồng đã ký kết.