Vladimir Putin đã lãnh đạo nước Nga nhiều năm. Người đứng đầu chính quyền Moscow chứng kiến nhiều sóng gió trong mối quan hệ với Mỹ.

Trong một bài viết trên CNN, nữ giáo sư người Mỹ gốc Nga Nina Khrushcheva thuộc Viện Chính sách Thế giới đánh giá rằng, sau một loạt vụ tấn công khủng bố mới đây, nhiều người bắt đầu chú ý đến khả năng liên minh chính trị mà một vị tổng thống mới của Mỹ sẽ phải dùng đến với Nga.

Và vì ông Putin dường như sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2024, nên chủ nhân tương lai của Nhà Trắng sẽ cần phải hợp tác với ông, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2012 tại hội nghị APEC ở Vladivostok, Nga. (Ảnh: AP)

Thời gian qua, Putin liên tục cam kết sẽ hợp tác với bất kỳ tổng thống Mỹ nào nhưng khẳng định Nga cần được đối xử như một đối tác ngang bằng, và Mỹ không nên hành động kẻ cả. Thông điệp này không thể bị xem nhẹ.

Trong số hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay, Hillary Clinton là người có thể sẽ chú ý hơn đến thông điệp đó. Mặc dù Trump và Putin có một số điểm tương đồng nhưng cả hai không phải kiểu thích nhận "lệnh" từ người khác. Trái ngược, Hillary là người chừng mực, thực dụng và quen với ngoại giao kiểu Nga.

Kiểu ngoại giao này đã được áp dụng tại một hội nghị kinh tế ở St. Peterburg hồi giữa tháng 6. Sau 2 năm gián đoạn vì Nga sáp nhập bán đảo Crưm, hội nghị lấy lại được vị thế quan trọng, với việc ông Putin chủ trì tiếp đón các nhà lãnh đạo khác, trong đó có Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Putin cảnh báo, chừng nào Mỹ còn "dạy bảo tất cả phải sống thế nào" thì sẽ không có tiến bộ trong quan hệ, dù có sự hợp tác nhất định trong "các vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến đấu chống khủng bố, hạt nhân Iran hay vũ khí hóa học ở Syria".

Tuy không có chính trị gia Mỹ nào dự cuộc họp, nhưng dường như Donald Trump vẫn "giỏng tai lên" nghe từ xa. Ông đã thấy Tổng thống Nga có điểm tương đồng và thông báo "sẽ hợp tác với Putin". Đổi lại, Putin ca ngợi tỷ phú Mỹ là "một người cực kỳ... tài năng".

Theo nhận định của Giáo sư Nina Khrushcheva, Donald Trump sẽ nhanh chóng chứng tỏ cho Tổng thống Nga thấy vị thế của ông.

Thông điệp "Nước Nga trước tiên" của Putin có thể sẽ không làm phiền đến ông trùm bất động sản New York, khi ông tuyên bố chủ trương "Nước Mỹ trước nhất". Nhưng việc Putin không công nhận vị thế "kẻ trên" của Mỹ sẽ nhanh chóng khiến Trump khó chịu vì ứng viên này tự nhận mình là lãnh đạo của thế giới tự do.

Nếu Trump có trong tay quyền kiểm soát các nguồn lực to lớn của Mỹ, về cả quân sự lẫn kỹ thuật, thì Putin sẽ trở thành một thách thức. Và vì cả hai người đều khó "lùi bước" nên một tranh cãi nhẹ cũng có thể biến thành vấn đề nghiêm trọng.

Về phía Hillary Clinton, có khoảng 10% người Nga cho biết họ thích bà làm Tổng thống Mỹ. Nữ chính trị gia này từng đề xuất một cách tiếp cận "không đối đầu" với chiến thuật của Nga ở Ukraina. Là kiến trúc sư chính sách Tái Cài đặt quan hệ với Nga năm 2009, bà hiểu cần phải hợp tác hơn nữa về khủng hoảng Syria và về các mối đe dọa an ninh khác.

Và mặc dù yêu cầu Putin tôn trọng thỏa thuận hòa bình Minsk (giải quyết xung đột ở miền đông Ukraina) để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận, Hillary có thể sẵn sàng "thưởng" hậu hĩnh cho Nga nhằm duy trì một lệnh ngừng bắn, thực hiện một thỏa thuận trao đổi tù nhân đúng lúc, hoặc để Nga rút các thiết bị quân sự về nước.

Hồi những năm 1990, dù Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, Chính phủ Bill Clinton vẫn dỡ bỏ một phần cấm vận để Bình Nhưỡng dừng chương trình tên lửa. Và Kremlin tin rằng, Hillary Clinton rốt cuộc sẽ theo đuổi kiểu chính sách ngoại giao thời chồng bà làm chủ Nhà Trắng.

Trong chuyến đi gần đây tới St. Petersburg, Putin gần như phớt lờ các câu hỏi về Hillary Clinton, dành thời gian để nói về việc ông và Bill Clinton đã có "một mối quan hệ tốt đẹp.... Nhiều lần ông ấy cho tôi thấy dấu hiệu tôn trọng, với cá nhân tôi và với nước Nga'. Vậy nên nhiều người cho rằng, kể cả bà Hillary không thể ngay lập tức đưa Putin trở lại với những người bạn phương Tây thì ông Bill sẽ hỗ trợ một cách không chính thức.

Chưa chắc cựu Tổng thống Mỹ sẽ giúp vợ ông sửa chữa quan hệ với Nga. Nhưng dù là ai thì các nhà lãnh đạo Mỹ tương lai sẽ không đợi Putin lên tiếng. Họ sẽ cần đến chính sách "cây gậy và củ cà rốt" với Moscow như thời Chiến tranh Lạnh.

Thanh Hảo

Hillary bay nhờ Không lực 1, Trump vặn 'ai trả tiền?'

Việc Hillary Clinton cùng Barack Obama dùng chuyên cơ Không lực 1 dành cho Tổng thống Mỹ để đi vận động cử tri đã khiến đối thủ Donald Trump chất vấn "ai trả tiền?".

Hillary thoát 'án', Trump tố FBI xảo trá

Sau khi FBI tuyên bố không đưa ra cáo buộc hình sự với Hillary Clinton về vụ dùng email cá nhân cho việc công, Donald Trump lập tức tố cơ quan này "xảo trá".

Kẻ chuyên bóc bí mật của Hillary lộ diện

Guccifer 2.0, tin tặc bóc trần hàng loạt thông tin mật về Hillary Clinton, lại vừa công bố thêm một loạt tài liệu mật về nữ ứng viên Tổng thống Mỹ.