- Trong bối cảnh thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ, nhiều bệnh viện phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất có thể để đảm bảo nguồn thu, dẫn đến một số hậu quả như: lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, giữ bệnh nhân lâu hơn, …

Nnếu chỉ chống quá tải ở bệnh viện tuyến TW thì chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, bởi năng lực tuyến dưới nếu không được nâng lên thì không thể thu hút người bệnh. Việc chống quá tải muốn thực hiện được cần làm rõ đang quá tải ở những khâu nào, chuyên khoa nào, từ đó mới xác định được xuất phát điểm để giải quyết trúng vấn đề.

Đây là những thông tin được đưa ra trong buổi họp của Bộ Y tế về dự thảo đề án Giảm tải bệnh viện chuẩn bị trình Chính phủ được tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội.

Cơ chế tài chính bất cập

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, cơ chế tài chính bất cập trong các bệnh viện hiện nay chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng quá tải bệnh viện thêm trầm trọng và khó giải quyết.

Theo đó, các bệnh viện được trao quyền tự chủ về tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ, từ đó thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa trang thiết bị, kỹ thuật y tế nhưng lại không tính đủ chi phí trong cơ cấu giá dịch vụ nên dẫn đến thực trạng các bệnh viện thiếu nguồn lực (về con người, về chi phí, …).

Nhiều bệnh viện không muốn giảm tải vì đây là nguồn thu chủ yếu của họ! (Ảnh: C.Q)

Từ đó, các bệnh viện đều có chủ trương tận thu dẫn đến tăng nhu cầu cung cấp dịch vụ. Tất cả các nơi đều chủ động mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh để tăng số lượt bệnh nhân đến khám, bệnh viện tuyến trên làm cả các dịch vụ y tế tuyến dưới. Trong bối cảnh tự chủ, nhiều bệnh viện phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất có thể để đảm bảo nguồn thu, bù đắp khoản thiếu hụt.

Điều này góp phần làm tăng thêm quá tải bệnh viện. Công suất sử dụng giường bệnh đã tăng thêm 25% tại các bệnh viện tự chủ toàn phần (từ năm 2005 đến năm 2008. Tỷ lệ sử dụng MRI và CT trên lượt bệnh nhân tăng qua các năm, 20% bác sĩ điều tra cho biết có nguy cơ lạm dụng xét nghiệm).

Trong khi đó, Bộ Y tế lại chưa có cơ chế giám sát và chế tài đối với các bệnh viện duy trì quá tải hoặc không có biện pháp giảm tải. Một số bệnh viện có dấu hiệu không quan tâm tới tình trạng quá tải, đặc biệt tại khu khám bệnh!

Bệnh nhân tự ý vượt tuyến do tin tưởng tuyến trên

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tâm lý người bệnh luôn coi trọng uy tín, chuyên môn, kỹ thuật của tuyến trên. Tỷ lệ vượt tuyến dao động từ 50-80% ở các bệnh viện tuyến trên là do người bệnh thường tin tưởng vào uy tín của bệnh viện tuyến trên.

Tập trung đào tạo bác sỹ gia đình

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung đào tạo bác sỹ gia đình và tuyên truyền về các bệnh viện tuyến tỉnh để người bệnh yên tâm điều trị, không phải chuyển tuyến trên, nhằm giảm quá tải bệnh viện.

Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng: “Chúng tôi thấy cực kỳ khó trong việc mong muốn, ngăn chặn quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của người bệnh với cơ chế tài chính hiện nay. Chúng ta không thể chặn cái này. Vì bệnh nhân không tin tưởng tuyến dưới, bệnh nhân vẫn đi và có quyền lựa chọn. Trong những trường hợp vượt tuyến không có chuyển viện thì vẫn phải trả phí cao hơn”.

Ngoài những biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tải, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ xem hiện nay quá tải đang diễn ở ở khâu nào, khoa nào và huy động cả sự tham gia mạnh mẽ của khu vực hành chính, hướng dẫn để tránh quá tải không dáng có (ở Nghệ An có bệnh viện cho hướng dẫn viên hướng dẫn về thủ tục, thời gian chờ đợi của bệnh nhân đã giảm còn một nửa so với trước đây).

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, hiện quá tải diễn ra chủ yếu ở khu khám và xét nghiệm, bệnh viện hầu hết không có hướng dẫn và bệnh nhân cũng chẳng biết làm gì. Do đó, các đại biểu cho rằng cần chống quá tải bằng những phương án đơn giản nhất là hướng dẫn bệnh nhân mà biện pháp này chẳng tốn bao nhiêu tiền và có thể làm ngay được.

Đề án giảm tải bệnh viện chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015 giải quyết tình trạng quá tải tại 7 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế gồm: Bạch Mai, Việt - Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, bệnh viện K, Phụ sản Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương và hai sở y tế Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2, từ năm 2015 đến 2020 và những năm tiếp theo, tiến tới cân bằng giữa khả năng đáp ứng cơ sở khám chữa bệnh với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; nâng cao năng lực của hệ thống khám chữa bệnh, không để tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện dưới quá tải ở cả 3 tuyến: trung ương, tỉnh, huyện.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, bộ Y tế cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Giải pháp trước hết là phải bằng mọi cách tăng số giường bệnh. Giải pháp số hai là tăng cường năng lực tuyến huyện và tuyến tỉnh. Giải pháp số ba là sử dụng hệ thống bệnh viện vệ tinh. Thứ tư phát triển bác sỹ gia đình. Thứ năm là đào tạo nhân lực, đồng thời quảng cáo bệnh viện tuyến dưới đến người bệnh.

Tình trạng quá tải trong năm 2011 tại một số bệnh viện trong cả nước:

Năm 2011, bệnh viện K quá tải 172%; bệnh viện Bạch Mai 168%, bệnh viện Chợ Rẫy 139%; bệnh viện Nhi Trung ương 119%, …

Năm 2011, xét trên tổng thể hệ thống khám chữa bệnh, công suất sử dụng giường bệnh chung của toàn quốc là 110%, có nghĩa là suwj quá tải thực của mạng lưới khám chữa bệnh chưa đúng. Nhiều khu vực tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp như Bắc Trung Bộ 69,7%; miền núi phía Bắc 48,2%; Tây Bắc 11,8%..., Trong số các bệnh viện đa khoa có đến gần 29% các bệnh viện cần thu dung thêm người bệnh, gần 37% quá tải.

Ngọc Anh