Cơ hội thực hiện tham vọng toàn cầu

QVIC 2020 dành cho tất cả các công ty đăng ký tại Việt Nam, phát minh ra các sản phẩm mới trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, IoT (internet kết nối vạn vật), học máy/ trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, các thiết bị đeo và thực tế ảo (VR).

Các startup có thể đăng ký tham gia trực tiếp trên website của Qualcomm (chọn khu vực Việt Nam). Thông qua các vòng tuyển chọn từ nay đến cuối tháng 4/2020, Qualcomm Việt Nam sẽ chọn ra 10 startup bước vào giai đoạn ươm mầm khởi nghiệp. Các startup được chọn sẽ bước vào giai đoạn ươm mầm và các đội chiến thắng sẽ được công bố vào tháng 1/2021.

Theo Qualcomm Việt Nam, năm 2020 là năm của công nghệ 5G và công nghệ mang tính cách mạng này sẽ thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp, từ thiết bị di động đến nhà máy thông minh và các phương tiện được kết nối, cung cấp 13.200 tỷ USD doanh số bán hàng trên toàn cầu đến năm 2035. Là công ty đổi mới công nghệ không dây hàng đầu, Qualcomm tin rằng đổi mới có thể thay đổi thế giới và cam kết sẽ thúc đẩy đổi mới về lĩnh vực 5G cũng như các lĩnh vực công nghệ tiên tiến khác ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Về lựa chọn cuộc thi tổ chức tại Việt Nam, TS An Mei Chen (Trần Mỹ An), Giám đốc kỹ thuật cấp cao Tập đoàn Qualcomm cho biết, với tốc độ phát triển nhanh chóng của 5G trên toàn cầu, Quanlcomm hào hứng trong việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trên công nghệ 5G và các công nghệ tiên tiến khác thông qua cuộc thi.

{keywords}
Bà An Mei Chen - Giám đốc kỹ thuật cấp cao tập đoàn Qualcomm

“Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam nêu bật tầm quan trọng của cả đổi mới và khởi nghiệp và chúng tôi trông đợi sẽ tìm kiếm được các ý tưởng mới từ những bộ óc công nghệ sáng giá nhất Việt Nam”, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Chủ tịch Kinh doanh toàn cầu Qualcomm Technologies (Tập đoàn Qualcomm) khẳng định.

Theo ông Jim Cathey, Việt Nam đã nổi lên là một trong những trung tâm đổi mới và phát triển công nghệ nhanh nhất khu vực châu Á. Việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo công nghệ không chỉ giúp ngành công nghệ Việt Nam phát triển xa hơn mà còn giúp các công ty Việt Nam hiện thực hóa tham vọng toàn cầu của họ.

Qualcomm hỗ trợ thương mại sáng chế

Hiện Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược “Make in Vietnam” và Qualcomm đang hỗ trợ tích cực. QVIC được kết hợp với Chiến lược “Make in Vietnam” nhằm khích lệ những công ty công nghệ chế tạo, thiết kế và đưa vào sản xuất những sản phẩm của họ đối với khu vực.

TS An Mei Chen cho biết, Qualcomm mong muốn là chìa khoá và là người cộng sự lâu dài cùng Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế khu vực. QVIC như một lời cam kết của Qualcomm trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái công nghệ kỹ thuật trong nền kinh tế của Việt Nam và đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới công nghệ kỹ thuật khu vực.

Hiện tại, Tập đoàn Qualcomm có mảng kinh doanh cấp phép bằng sáng chế (QTL) và nắm giữ phần lớn các sáng chế của Qualcomm. Trong đó, Công ty Qualcomm Technologies (Tập đoàn Qualcomm) cùng với các công ty con của mình thực hiện phần lớn các nhiệm vụ liên quan đến kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển, cũng như các mảng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả mảng kinh doanh bán dẫn của Qualcomm Technologies.

TS An Mei Chen cho biết, thông qua Cuộc thi “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam”, các startup được chọn sẽ nhận được giải thưởng bằng tiền mặt, bên cạnh đó sẽ được các chuyên gia của Qualcomm đào tạo kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ công nghệ và hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Các công ty vào danh sách rút gọn sẽ được hỗ trợ kỹ thuật mà không phải trả phí, bao gồm hướng dẫn kinh doanh và kỹ thuật, truy cập vào phòng thí nghiệm của Qualcomm tại Hà Nội, cũng như hỗ trợ giải quyết vấn đề từ các nhóm địa phương của Qualcomm. Các khả năng của phòng thí nghiệm bao gồm hỗ trợ ML/AI, phòng thí nghiệm máy ảnh, phòng thí nghiệm âm thanh, buồng RF, xử lý sự cố nhiệt và modem.

 “Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các công ty công nghệ Việt Nam thông qua các chương trình chia sẻ IPs, cung cấp các thiết kế tham chiếu, phần mềm và các huấn luyện cần thiết để các công ty Việt Nam có thể thiết kế sản phẩm với chất lượng quốc tế”, TS Chen khẳng định.

Cuộc thi “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam” (QVIC) ra mắt tháng 12/2019 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các đơn vị trong ngành công nghệ thông tin cũng như giới truyền thông. QVIC nhận đơn đăng ký đến tháng 5/2020 và công bố 10 công ty khởi nghiệp lọt vào danh sách rút gọn vào 1/6/2020.

Từ tháng 6  - 12/2020, các startup được chọn sẽ bước vào giai đoạn ươm tạo với sự hỗ trợ của Qualcomm. Tối đa 10 công ty lọt vào danh sách sẽ nhận được khoản tài trợ 10.000 USD mỗi công ty để hỗ trợ ươm tạo. Ba startup lọt vào chung kết sẽ nhận thêm tiền thưởng lần lượt là 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD. Qualcomm Technologies sẽ không yêu cầu bất kỳ quyền sở hữu vốn hoặc sở hữu trí tuệ nào để đổi lấy hỗ trợ tài chính này.

Ngoài ra, Qualcomm Technologies sẽ hoàn trả 2.500 USD cho mỗi đơn xin cấp bằng sáng chế tiện ích được nộp cho Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) hoặc Văn phòng Sở hữu trí tuệ Việt Nam liên quan đến các đề xuất cho QVIC 2020.

Tiến Lực