Những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng; có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Lấy danh nghĩa các công ty môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về nhân đạo, cho nhận con nuôi để mua bán trẻ em…

Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ/42 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 118 nạn nhân.

anh chup man hinh 2024 02 16 luc 063042.png
Các khách mời trao đổi ý kiến tại tọa đàm.

Tại tỉnh Sơn La, với trên 274 km đường biên giới, có 6 huyện, 17 xã, với tổng số 305 bản biên giới. Qua công tác nắm tình cho thấy, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới của tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các trường hợp vắng mặt ở địa bàn, các trường hợp được phối hợp giải cứu có chiều hướng gia tăng, với nhiều lứa tuổi từ 15-30 tuổi ở các xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới.

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài… 

Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện nhiều trường hợp nạn nhân đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi, tuy nhiên bị lừa bán sang Campuchia để bóc lột sức lao động. 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp nhận 2 đơn trình báo của công dân tại các huyện Sốp Cộp, Mường La; hiện đã giải cứu được 1 nạn nhân.

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều tham luận, ý kiến từ Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đại diện Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh xung quanh các vấn đề về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong đường dây buôn bán người; kết quả đấu tranh của lực lượng Bộ đội Biên phòng; công tác hợp tác quốc tế và phối hợp giữa các ban, ngành về phòng, chống mua bán người, nhất là tiếp nhận tin báo, chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán qua Tổng đài Quốc gia 111.

Các đại biểu đều cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, Sơn La tăng cường giáo dục pháp luật chống buôn bán người về công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.

Thanh Minh