Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Nghệ An, từ 1/7 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã xác lập, phá thành công 5 chuyên án, bắt giữ 5 vụ, bắt 7 đối tượng về hành vi mua bán người, liên quan đến 9 nạn nhân. Lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố, điều tra 5 vụ/ 7 bị can.

Bên cạnh đó, lực lượng công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức tiếp nhận, giải cứu thành công 9 nạn nhân. Trong đó, 7 nạn nhân là trong các vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi; 2 nạn nhân có dấu hiệu liên quan đến các hành vi mua bán người. Tất cả các nạn nhân đã được bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong các công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. 

Nổi bật, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an 03 tỉnh giáp biên của nước bạn Lào (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Polykhămxay) tổ chức Hội nghị Giao ban về hợp tác bảo đảm bảo an ninh trật tự năm 2023. 

Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An (công an, biên phòng, hải quan...) thường xuyên cùng với các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật của mỗi nước. Nghiêm chỉnh thực hiện các quy chế biên giới, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận công dân di cư trái pháp luật được trao trả. Đồng thời, tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở khu vực biên giới, nhất là công tác quản lý nhân, hộ khẩu. Tăng cường công tác phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới, trong đó có hợp tác trong công tác đấu tranh tội phạm đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, tội phạm mua bán người. 

anh chup man hinh 2024 01 05 luc 222449.png
Công an Nghệ An làm việc với 3 phụ nữ mang thai trên đường ra nước ngoài bán bào thai được giải cứu.

Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt nhưng hoạt động tội phạm mua, bán người trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo báo cáo, toàn tỉnh có 6 huyện biên giới trên bộ, 5 huyện có đường biên giới trên biển và một số địa phương miền núi. Đời sống kinh tế và nhận thức của người dân ở khu vực này còn thấp. Nhu cầu việc làm cao, trong khi sinh kế tại chỗ khó khăn khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành đối tượng của tội phạm mua bán người.

Bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm mua bán người, công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa được địa phương xác định là giải pháp then chốt để ngăn chặn tình trạng trên. 

Lực lượng công an, biên phòng tăng cường nắm tình hình, bám sát địa bàn, rà soát, lập danh sách các đường dây, băng ổ nhóm, cá nhân có biểu hiện liên quan đến các hành vi mua bán người, trẻ em, tổ chức cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Ngành chức năng quản lý chặt chẽ các đối tượng đã từng có tiền án về các tội mua bán người, thường xuyên qua lại địa bàn biên giới (chủ yếu là Trung Quốc). Chủ động phát hiện các hành vi hoạt động mua bán người để xác minh, tổ chức xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ.

Cùng với phòng ngừa, ngăn chặn tại chỗ, ngành chức năng tỉnh Nghệ An thường xuyên nắm thông tin, tình hình tại các địa bàn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng làm nơi trung chuyển đưa phụ nữ, trẻ em đi bán.

Tại các tuyến xe khách từ Nghệ An đi các tỉnh biên giới phía Bắc (đặc biệt là Móng Cái - Quảng Ninh, Tân Thanh - Lạng Sơn) luôn được giám sát chặt chẽ. Những phụ nữ lấy chồng Trung Quốc nay trở về địa phương cũng được quản lý nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ các vụ việc mua bán người, mua bán bào thai... 

Thành lập mô hình phòng chống tội phạm mua bán người

Được biết, thời gian qua, rất nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người tại Nghệ An đã được thành lập, hoạt động hiệu quả.

Trong đó, có thể kể đến mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người" ở xã Tam Quang, Nga My, Yên Hòa (huyện Tương Dương); xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong); mô hình "Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số" ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương); mô hình "Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người" ở huyện Kỳ Sơn hay mô hình "Lá chắn phòng chống mua bán người" tại bản Hồng Diện, xã Đôn Phục (huyện Con Cuông)...

Xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn từng là điểm nóng của nạn mua bán người, bào thai. Theo thống kê, từ năm 2017 đến năm 2019, toàn xã có 22 trường hợp đi bán bào thai, chủ yếu tập trung ở các bản đồng bào Khơ Mú sinh sống. Điểm chung của họ là mù chữ, gia đình khó khăn, nhận thức về xã hội và pháp luật hết sức hạn chế.

Năm 2020, từ mô hình "Phòng, chống mua bán người" đầu tiên được xây dựng tại bản Đỉnh Sơn 2 - điểm nóng về mua bán người, mua bán bào thai, đến nay đã lan tỏa đến 9/9 bản của xã Hữu Kiệm.

Thông qua các buổi tuyên truyền trực quan, qua hệ thống truyền thanh cơ sở hay sân khấu hóa thông qua các cuộc giao lưu văn nghệ, tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp dân tại các bản, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình… nhận thức của bà con về mua bán người, mua bán bào thai đã được nâng lên rõ rệt.

"Đặc biệt, thông qua số điện thoại đường dây nóng, người dân đã chủ động cung cấp với Ban Chỉ đạo phòng, chống mua bán người của xã các vụ việc nghi ngờ để kịp thời có giải pháp ngăn chặn", ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho hay, "Từ khi mô hình được triển khai đến nay, trên địa bàn xã không ghi nhận vụ việc liên quan đến mua bán người, bán bào thai".

Thu Hằng và nhóm PV, BTV