Là địa phương miền núi, biên giới có nhiều cửa khẩu, tỉnh Quảng Ninh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm mua bán người lợi dụng làm nơi trung chuyển, lừa dẫn, chuyển giao người qua biên giới.
Nhận thức rõ tình hình, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng chống mua bán người.
Tuy nhiên, tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để không gian mạng, các trang mạng xã hội để thay đổi phương thức, thủ đoạn, gia tăng hoạt động phạm tội.
Để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm mua bán người, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch, chương trình về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 314/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông giúp người dân nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai kịp thời đến các cấp, ngành, cộng đồng dân cư trong tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã in ấn, cấp phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; thiết kế hàng chục pano đặt dọc trục đường quốc lộ; pano giới thiệu dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng treo ở tất cả trụ sở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức 58 lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về công tác phòng chống mua bán người và quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho 4.930 cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội thuộc các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện cùng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, mở 18 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác tiếp cận cộng đồng; tập huấn cho 1.530 trưởng thôn, khu, cộng tác viên công tác xã hội, người có uy tín về kiến thức kỹ năng hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán người trở về.
Tháng 5/2022, Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân đã được thành lập tại 5 phường trên địa bàn TP Hạ Long, gồm: Hùng Thắng, Cao Xanh, Bạch Đằng, Hồng Gai và Tuần Châu. Mô hình này do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Hạ Long triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống mua bán người.
Trong đó, tập trung quản lý, kiểm tra, thanh tra công tác giới thiệu việc làm; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam... để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người. Duy trì phối hợp với các đơn vị như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đã chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong các trường học. Tổ chức phiên tòa giả định tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bằng hình thức sân khấu hóa có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng. Đây là một hình thức truyền thông rất thực tiễn, cung cấp thêm kiến thức, nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt là những thủ đoạn tinh vi lừa đảo qua mạng xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về.
Với các trường hợp phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về từ các cửa khẩu biên giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp tích cực cùng các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp nhận, gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ về tiền mặt và một số vật dụng sinh hoạt cá nhân để chị em sử dụng trong thời gian chờ trở về địa phương. Phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp đến tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị buôn bán trở về làm các thủ tục như cấp lại chứng minh thư, hộ khẩu, làm giấy khai sinh, hoặc giúp vay vốn tạo việc làm...
Là lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quàng Ninh cũng chủ động tham mưu phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 30 buổi tuyên truyền cho 2.500 lượt người dân khu vực biên giới tham gia. Đồng thời, duy trì và phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật tại các thôn, xã trên địa bàn khu vực biên giới, thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.
Với sự chung tay quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã có những kết quả tích cực. 2 năm trở lại đây, toàn tỉnh không xảy ra các vụ việc liên quan đến mua bán người. Từ đó góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.