Tại Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch 2023 ngày 21/12, đại diện Cục Du lịch quốc gia cho biết, năm nay, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việt Nam đã đón được khoảng 12,5 triệu khách quốc tế, vượt 150% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, tăng 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, đánh giá, việc thu hút khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng vì vẫn chính sách đó năm 2019, chúng ta đón được 18 triệu lượt khách quốc tế; nay có thêm nhiều ưu đãi về chính sách visa, thời gian lưu trú cho khách nhưng vẫn chưa đủ để lượng khách hồi phục như trước dịch.
Ngoài ra, du lịch Việt Nam cũng gặp khó trong việc thu hút thị trường nguồn khách; một số đơn vị lưu trú tự phong sao để quảng cáo sai sự thật; nạn chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh tái diễn; bất động sản đóng băng cũng ảnh hưởng đến phát triển du lịch,...
Đáng lưu ý, trong bối cảnh mới khi du lịch bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, công tác quản lý đang vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động lữ hành, kinh doanh cơ sở lưu trú, xúc tiến quảng bá, nguồn nhân lực và xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn cho du khách,...
Cụ thể, theo Cục Du lịch quốc gia, công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách, nổi bật là vụ việc liên quan đến 4 khách du lịch Hàn Quốc bị tai nạn, tử vong tại tỉnh Lâm Đồng hay 1 nam du khách quốc tịch Hàn Quốc thiệt mạng khi nhảy xuống thác nước sâu 10m,...
TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng, nhiều mô hình kinh doanh mới liên quan đến du lịch như kinh tế chia sẻ, chia sẻ kỳ nghỉ, mô hình kinh doanh condotel, farmstay… và có thể còn nhiều mô hình khác nữa vẫn chưa có các quy định chặt chẽ. Điều này đang gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Ông dẫn chứng, do các văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh cụ thể với các mô hình trên nên khi cơ quan ông muốn xin ý kiến hay số liệu về hoạt động farmstay (kết hợp giữa nông trại và du lịch), một số địa phương cho là nhạy cảm, không cung cấp.
Đó là chưa kể, các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản... phục vụ du lịch chưa được quy định rõ nên khó thực thi.
Bên cạnh đó, chất lượng các sản phẩm du lịch ở Việt Nam được đánh giá không cao, nhưng các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng sản phẩm hầu như chưa có. Chính vì vậy, việc rà soát hệ thống pháp luật hiện hành về du lịch và xây dựng hướng hoàn thiện là rất cần thiết.
Một vấn đề khác là nguồn nhân lực du lịch. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung về nhân lực du lịch là vừa thiếu, vừa yếu về chất lượng. Điều đáng tiếc là, đến nay việc thống kê số liệu chính xác về nhân lực hiện có của ngành du lịch Việt Nam cũng như dự báo nhu cầu chưa tốt. Lý do bởi việc điều tra tổng thể về nhân lực du lịch chưa bài bản.
Theo ông Vinh, 4-5 năm nay, con số cũ vẫn dùng lại, nhiều số liệu được dẫn chứng từ năm 2019. Từ đó, dẫn đến việc dự báo nhu cầu nhân lực trong các giai đoạn phát triển của du lịch còn nhiều hạn chế, làm cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực khó khả thi.