Sàn giao dịch thương mại điện tử của tinh Thái Nguyên được cập nhật trên ứng dụng C-Thainguyen. Theo đó, người nông dân dễ dàng kết nối khi có sản phẩm đầu ra. Bước đầu triển khai, tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn được 26 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đưa lên 2 sàn thương mại điện tử là Postmart.vn và Voso.vn. Với nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", hiện nay có 186 hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng và thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về các đơn vị này lên ứng dụng Công dân Thái Nguyên. Qua theo dõi, những sản phẩm này đều có sức tiêu thụ tốt khi mỗi tháng có hàng trăm giao dịch được thực hiện thành công.
Không chỉ ứng dụng sàn thương mại điện tử để kết nối sản, tiêu thụ, quảng bá nông sản mà Thái Nguyên còn nỗ lực tổ chức các chương trình livestream nông sản. Theo đó, trung tuần tháng 8/2023, lần đầu tiên tại Thái Nguyên đã diễn ra Chương trình livestream phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên. Chương trình diễn ra tại khu vườn trồng na của HTX na La Hiên, ở xóm Xuân Hòa, xã La Hiên (Võ Nhai). Hoạt động thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách, nhiều nhóm tiktoker, streamer và đại diện một số HTX trong tỉnh, tham gia livestream trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Tiktok).
Trong phiên livestream từ 9 giờ đến 13 giờ cùng ngày, có hàng chục nghìn lượt người theo dõi trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và trên 1.600 đơn đặt hàng trực tuyến các sản phẩm nông sản của tỉnh. Trong đó có trên 1.000 đơn mua sản phẩm na, với tổng khối lượng 6,3 tấn và 500 đơn cho các sản phẩm khác như: trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc... Ngoài ra, 3 HTX của huyện Võ Nhai tham gia bán hàng trực tiếp tại Chương trình đã bán được 2,5 tấn na cho du khách.
Phiên livestream không chỉ giới thiệu sản phẩm na La Hiên (Võ Nhai) mà còn quảng bá nhiều mặt hàng nông sản khác của tỉnh Thái Nguyên, như: Tương nếp Úc Kỳ, cơm cháy (Phú Bình); bánh chưng Bờ Đậu (Phú Lương); chè búp khô Thái Nguyên; mộc nhĩ khô và măng khô (Võ Nhai); miến Việt Cường (Đồng Hỷ)...
Thực tế cho thấy, người nông dân Thái Nguyên đã chủ động nắm bắt cơ hội rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm "tăng giá trị - giảm đầu vào". Việc áp công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đây là một xu thế mới thể hiện sự năng động trong tư duy của bà con mà xưa nay chỉ quen với “tay cày”, “tay cuốc”. Thông qua các hoạt động thương mại điện tử, bà con nông dân có thể chủ động tìm ra hướng đi mới dài hạn cho việc quảng bá và kinh doanh nông sản tại địa phương.
Điểm sáng đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp Thái Nguyên là việc tăng cường công tác kết nối, xúc tiến thương mại. Đến nay, đã có gần 190 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản để đưa sản phẩm lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử với 1.852 sản phẩm, tổng số giao dịch trên 2 sàn Postmart.vn và Voso.vn là 14.594. Cung cấp danh sách các cơ sở có sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP của tỉnh, cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các hệ thống siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên cả nước.
Ông Đặng Thái Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, các ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số đang tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở tại địa phương. Để hỗ trợ nông dân, HTX chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu, tiến tới tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng ứng dụng chuyển đổi số để theo dõi, quản lý các nhãn hiệu nông sản, sản phẩm tập thể.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động nông thôn, duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực.
Các tổ chức, cá nhân tại Thái Nguyên đã ý thức đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm, xây dựng nền nông nghiệp ngày càng hiện đại… Đây là những mô hình cần được nhân rộng để Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.