Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực ở vùng DTTS, thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương của tỉnh Quảng Bình đã tích cực phối hợp, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nhất là ở vùng DTTS và miền núi.

Một hội thi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện Lệ Thuỷ.

Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 35 lớp tuyên truyền trực tiếp với hơn 3.000 lượt người tham gia; Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh cũng tổ chức 550 buổi chiếu phim thu hút khoảng 80.000 lượt người xem; thực hiện 155 buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng đạo đức và lối sống trong gia đình; phong trào xây dựng làng, thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa ở miền núi…

Mới đây, ngày 14/7/2023, tại xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Lệ Thủy tổ chức hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho vùng đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy.

Đây không phải là lần đầu tiên Quảng Bình tổ chức hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS. 

Trước đó, vào tháng 10/2022, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lệ Thuỷ tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tiếp đó, tháng 12/2022, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với Hội LHPN huyện Minh Hóa vừa tổ chức hội thi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Dân hóa (Minh Hóa).
Các hội thi nhằm cung cấp thông tin cho người dân và các em học sinh về các luật như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Đồng thời, các hội thi được tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự 2 – Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 ... 

Thông qua hội thi góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân. Từ đó, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực tại các xã vùng DTTS trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê năm 2022, số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có giảm so với năm 2021 tuy nhiên không đáng kể (năm 2021 có 71 trường hợp tảo hôn chiếm 15,1%; năm 2022 có 68 trường hợp chiếm tỉ lệ 11%). 

Một số địa bàn tỷ lệ tảo hôn còn cao như: Xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy).

Hải Yến

Đình Thành và nhóm PV, BTV