Nhiều năm qua, Quảng Ninh xác định hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, phải làm thường xuyên, liên tục, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.
Tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính một cách toàn diện trên 6 nội dung, gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.775 thủ tục; tổng số thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành hiện đang được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.251 thủ tục.
Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Nhờ đó, toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc trong từng bước, đảm bảo không có khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết; kết quả giải quyết được trả đúng và trước thời gian theo quy định.
Cùng với đó, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ngày càng cao. Theo kết quả tổng hợp từ hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành, 3 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh là gần 19.400 hồ sơ (tỷ lệ 81,4%); ở cấp huyện là hơn 53.200 hồ sơ (tỷ lệ 76,6%); cấp xã là gần 26.700 hồ sơ (tỷ lệ 98%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%.
Tổng hợp từ Cổng dịch vụ công của tỉnh, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh là gần 7.900 hồ sơ (tỷ lệ 98,1%); cấp huyện là hơn 21.600 hồ sơ (tỷ lệ 99,7%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 85,3%.
Ngoài ra, hoạt động dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân không ngừng được đẩy mạnh thực hiện tại trung tâm hành chính công các cấp. Cụ thể: Tổng đài hành chính công thường xuyên, liên tục tiếp nhận và xử lý kịp thời, nhanh chóng các cuộc gọi hỗ trợ, hỏi đáp, tư vấn, phản ánh, kiến nghị về các nội dung liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của tổ chức, cá nhân. Hệ thống tin nhắn SMS tự động thông báo tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Triển khai thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt và sử dụng hóa đơn/biên lai điện tử. Quầy Tổng hợp hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ người yếu thế, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến… và các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, kê khai biểu mẫu, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh, khắc dấu doanh nghiệp...
Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả 22 con dấu thứ hai và 21 chứng thư số thứ hai của các sở, ban, ngành và đơn vị trực thuộc, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”.
Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp có công cụ theo dõi, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, biết chính xác thời gian được nhận kết quả và được xin lỗi, thông báo lý do nếu hồ sơ trễ hạn; giảm phiền hà, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân không phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền để giải quyết công việc. Nhờ vậy, ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền; xây dựng nền hành chính có năng lực kiến tạo môi trường thông thoáng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Những đột phá cải cách hành chính được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành "sao sáng" chuyển đổi số của cả nước. Năm 2022, lần thứ hai Quảng Ninh đạt vị trí dẫn đầu toàn quốc cả 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR INDEX, PAPI. Trong đó, duy trì 4 năm liên tiếp (2019 - 2022) dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) ; 4 năm (2018 - 2020 và 2022) dẫn đầu cải cách hành chính PAR INDEX và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch thu hút FDI đề ra trong quý I và đạt hơn 28% kế hoạch năm. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD.
Thuý Vy