“Chìa khoá” tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Chuyển đổi số là mục tiêu tất yếu và quan trọng của Quảng Ninh trên hành trình phát triển. Từ năm 2012, tỉnh đã bắt đầu triển khai những ý tưởng đầu tiên về chuyển đổi số. Đến nay, Quảng Ninh đang tích cực triển khai hành động nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

Trong 3 trụ cột chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh xác định kinh tế số là lĩnh vực cần được tập trung chỉ đạo hoàn thành. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh. 

Từ đó, Quảng Ninh luôn là địa phương tích cực quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thể hiện ở môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cải cách hành chính, tiếp cận vay vốn, tiếp cận mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu... Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số,  coi đây là “chìa khoá” nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Quảng Ninh hướng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.

quang ninh chuyen doi so1.jpg
Ảnh minh hoạ: báo Quảng Ninh

Với mục tiêu trên, Quảng Ninh đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các nền tảng, ứng dụng công nghệ số Make in Viet Nam để phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp. 

Cùng với đó, để có giải pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 110/KH-UBND về việc Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số năm 2023. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số, trong đó sẽ tổ chức 60 khóa đào tạo cho 2.400 lượt học viên được đào tạo trực tiếp về quản trị doanh nghiệp, về chuyển đổi số; Tổ chức 5 hội thảo hướng dẫn...

Quảng Ninh cũng sẽ hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp với tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Số lượng doanh nghiệp hỗ trợ: 5 doanh nghiệp siêu nhỏ, 30 doanh nghiệp nhỏ, 30 doanh nghiệp vừa.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, tư vấn miễn phí về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến và trực tiếp; mở các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số; tổ chức Cafe số trên nền tảng số để cung cấp thông tin, giải pháp, nền tảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp….

Những “trái ngọt” trên hành trình chuyển đổi số

Với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tính đến tháng 6/2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số với 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản thanh toán trực tuyến. 13/13 địa phương toàn tỉnh đều đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I.

Đáng chú ý, khoảng 350 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart.vn và Voso.vn.

quang ninh chuyen doi so 2.jpg

Hiện trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 hạng so với năm 2021. Với giá trị DTI đạt 0,7024 điểm, tăng 0,2052 điểm so với năm 2021. Điểm số này chỉ xếp sau TP Đà Nẵng và TP.HCM.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, song hành khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, nỗ lực để chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

H.D