Cháy rừng sau bão
Kể từ khi bão Yagi (bão số 3) tàn phá đến nay, tại Quảng Ninh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng ở các địa phương như Vân Đồn, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Móng Cái và Hạ Long, khiến hơn 57ha rừng bị thiêu rụi.
Điển hình như hôm 4/10, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại khu vực đồi thông phường Hồng Hà, TP Hạ Long vào giữa trưa. Ngọn lửa cháy lan sang khu vực phường Hà Trung, đến 1 ngày sau lực lượng chức năng mới dập được.
Vụ cháy này phát triển nhanh, lan rộng vì có nhiều cây chết khô, đường lên đồi bị bịt kín bởi cây gãy đổ khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, sau bão, cây rừng gãy đổ đã tạo ra khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy. Ngoài ra, việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt, hiểm trở, hạ tầng cho lâm nghiệp còn hạn chế.
Ông Khương cho biết: "Hiện có nhiều diện rừng gần khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ, đang có tình trạng người dân vào tự ý cắt gỗ cây rừng bị gãy đổ, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, tiềm ẩn cháy rừng".
Những lý do trên hiện đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, Quảng Ninh đã thiệt hại trên 117.000ha rừng do bão số 3, tổn thất ước tính hơn 6.400 tỷ đồng, nếu không có giải pháp kịp thời thì không biết bao nhiêu lâu nữa địa phương mới khôi phục được những "lá phổi xanh".
Phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng
Để khắc phục hậu quả sau bão, bảo vệ rừng và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Theo văn bản số 2832/UBND-KTTC ra ngày 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng và lợi thế của mình để chung tay hỗ trợ chủ rừng, tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể là chủ động ra quân tổ chức hỗ trợ khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp; tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ rừng khắc phục hậu quả thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng hỗ trợ thu dọn vệ sinh rừng, tận dụng, tận thu lâm sản.
Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức phát động chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, lưu thông tuyến đường vận xuất, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại, quyết tâm hoàn thành công việc trước ngày 31/10/2024.
Các cơ quan trên cũng cần tạo điều kiện thuận lợi về kho bãi, điện… cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản hoạt động tối đa công suất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ cần huy động tối đa nguồn lực khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, đảm bảo hoạt động tối đa công suất chế biến, xuất khẩu lâm sản.
Đồng thời, thống nhất với chủ rừng các nội dung thu mua, vận chuyển, đảm bảo thực hiện thu mua sản phẩm với thời gian nhanh nhất có thể.
Sở NN&PTNT được giao thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện.