Ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm
Quảng Ninh là địa phương có hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước, với chính sách cân bằng giữa kinh tế, môi trường, con người, tỉnh luôn quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ứng dụng công nghệ vi sinh và công nghệ màng AAO để xử lý nước thải y tế; hệ thống thiết bị sử dụng công nghệ vi sóng xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, tích hợp nghiền, cắt trong cùng một khoang xử lý, chuyển đổi toàn bộ thành chất thải thông thường không chứa mầm bệnh truyền nhiễm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các chế phẩm sinh học đã được nhiều nơi trong tỉnh đưa vào sử dụng để chế biến phân gia súc, gia cầm và rơm rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn và tăng sản lượng cây trồng; quản lý ao đầm nuôi tôm công nghiệp… Hay các địa phương đã sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi.
5 năm qua, tỉnh cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; tập trung nghiên cứu công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường...
Hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đến đảm bảo an toàn cho môi trường trong quá trình hoạt động. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã có 7 hệ thống quan trắc nước thải tự động và trạm xử lý nước thải tập trung hoàn thành tại KCN: Hải Yên (Móng Cái), Texhong (Hải Hà), Cái Lân, Việt Hưng (Hạ Long), Đông Mai, Sông Khoai, Nam và Bắc Tiền Phong (Quảng Yên). Các trạm đều đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, liên tục. Đồng thời, dữ liệu từ các trạm được truyền trực tuyến về Sở TN&MT quản lý, theo dõi, giám sát theo đúng quy định tại Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ. Nước thải khu công nghiệp khi thải ra môi trường đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang hoàn thành quy hoạch, tập trung nguồn lực, chuyển hướng về phía Bắc và phía Tây để phát triển các khu, cụm, cơ sở công nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa các vùng nông thôn, tách xa Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; ưu tiên công nghiệp vật liệu xây dựng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đảm bảo sản xuất xanh và áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.
Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước Vịnh Hạ Long, toàn bộ 16 tàu du lịch hoạt động trên vịnh đều đã lắp đặt thiết bị phân li dầu - nước, xử lý nước thải sinh hoạt. Ngoài ra, để thấm sạch dầu tràn, vãi trên các cảng, sàn tàu, trang thiết bị, dụng cụ dính dầu và trong khu vực đặt máy phát điện trong khu vực vịnh, hệ thống phao quây thấm dầu, tấm thấm dầu, xơ bông thấm dầu được ứng dụng từ chế phẩm sinh học Enretech-1 cũng được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Áp dụng vào giám sát chất lượng môi trường và quản lý tài nguyên
Công nghệ tiên tiến không chỉ được tỉnh triển khai ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm mà còn được chú trọng ứng dụng trong công tác quan trắc chất lượng môi trường và quản lý tài nguyên. Nổi bật phải kể đến hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm GIS vùng); hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn ô nhiễm nước vịnh Hạ Long; cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường tỉnh Quảng Ninh...
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, việc giám sát các nguồn thải đang được cải thiện ở khu vực ven biển vịnh. Tỉnh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt Jokaso của Nhật Bản, thu gom xử lý toàn bộ nước thải phát sinh do khách du lịch và nhân viên quản lý tại đảo Ti-tốp. Từ đó, nước thải đạt tiêu chuẩn loại A (QCVN 14:2008) trước khi xả thải.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư, đảm bảo hệ thống quan trắc môi trường tự động hoạt động ổn định, hiệu quả. Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 161 trạm quan trắc môi trường tự động giám sát thời gian thực hiện, trong đó có 1 trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia tại phường Hồng Hà (TP. Hạ Long). Dữ liệu về các thông số không khí, nước mặt, nước biển, khí thải, nước thải… liên tục được quan trắc tự động và truyền về trung tâm giám sát theo thời gian thực cho phép cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xác định được mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực đặt trạm, giúp kiểm soát tốt các nguồn phát thải. Từ đó có thể nhanh chóng đưa ra các biện pháp quản lý, ngăn chặn lượng phát thải vượt giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường tự nhiên tại Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu “lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm” trong giai đoạn 2020-2025. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.