Vì sao giá bay giải cứu quá đắt?

Gần đây, một người bạn của tôi bay một gói combo từ Mỹ về Việt Nam với giá 170 triệu đồng, đắt gấp gần chục lần so với trước đại dịch. Các gói bay trọn gói về nước có giá lên đến 150 - 180 triệu đồng, thậm chí lên đến 240 triệu.

Để tiện so sánh, hồi tháng 3-4/2020, gói bay giải cứu của Vietnam Airlines từ châu Âu là 1.200 USD, từ Mỹ và Canada có giá 1.600 USD.

Vì sao có sự chênh lệnh lớn đến như vậy? Có ai đó nhân danh chống dịch để trục lợi ở đây hay không? Bao nhiêu trong số đó vào túi hàng không, vào các cơ sở cách ly, vào túi ai…? Tôi không thể trả lời các câu hỏi này, nhưng rõ ràng, thực tế đó đang ngăn cản đồng bào về Tổ quốc, tàn phá ngành hàng không, du lịch, khách sạn, chặn cơ hội mở cửa của đất nước.

{keywords}
Lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế đo thân nhiệt người nhập cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của Hà Nội, TP.HCM còn cao hơn ở Mỹ, thậm chí một số quốc gia EU, gần bằng Singapore. Trước đây ta đóng vì tỷ lệ tiêm chưa đủ, vậy khi tỷ lệ tiêm vắc xin đã cao rồi, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà không mở cửa? Vắc xin vẫn là công cụ mạnh nhất, hiệu quả nhất phòng chống Covid, vậy khi tiêm đã rộng thì chúng ta phải sống thích ứng, an toàn theo nghị quyết 128. Chúng ta còn chờ đợi gì nữa đây?

Cá nhân tôi rất đau khổ khi đọc trên các diễn đàn chuyện đồng bào ta ở nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm bay qua Campuchia từ châu Âu với giá 630 euro, rồi đi ô tô mất thêm 100 euro lên cửa khẩu Mộc Bài rồi chìa hộ chiếu Việt Nam ra là chắc chắn được nhập cảnh, cách ly 1 tuần là được về nhà.

Tôi rất muốn chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh bĩ cực của đồng bào khi họ phải tìm cách về Tổ quốc bằng cách đó. Tôi mất ăn mất ngủ về việc này. Chúng ta không thể để điều này xảy ra thêm nữa.

Logic của chống dịch ở đâu?

Tình hình dịch bệnh của chúng ta có lẽ còn nặng hơn các nước khác, hơn Singapore, Campuchia, Thái Lan… Các quốc gia đó không cấm người mình sang nước họ, vậy chúng ta sao lại hạn chế “người xanh” của họ vào nước ta. Trước đây, chúng ta là điểm sáng chống dịch theo Zero Covid thì còn có thể hiểu được, nhưng giờ mà chúng ta vẫn cấm họ thì logic chống dịch ở đâu?

Giữa Hà Nội và TP.HCM hàng ngày có hàng chục chuyến bay, người có thẻ xanh đã tiêm 2 mũi vắc xin được tự do di chuyển, không phải xin phép ai, đến nơi không phải cách ly. Vậy, vì sao người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có “thẻ xanh”, có chứng nhận âm tính phải xin phê duyệt để về nước hay vào Việt Nam? Đâu là logic của sự phân biệt đối xử này?

Tháng 6, Bộ Chính trị cho chủ trương thực hiện thí điểm du lịch Phú Quốc; đến ngày 20/11 chúng ta đón chuyến bay đầu tiên từ Hàn Quốc, nhưng từ đó đến nay mới đón được 2-3 đoàn với 300-400 khách. Phú Quốc vẫn vắng vẻ.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh là 4 địa phương đã được phê duyệt thí điểm đón du khách quốc tế ngoài Kiên Giang. Lý do chính là các điều kiện mở bay lại của chúng ta quá khắt khe, ngặt nghèo. Quy định của chúng ta không thể hấp dẫn hay cạnh tranh với Thái Lan, Campuchia chứ đừng nói Singapore hay Malaysia.

{keywords}
Chuyến bay từ Hà Nội đi Nha Trang vắng khách

Bây giờ thế giới mở hết rồi. Người Việt Nam bay sang các nước chỉ với 2 liều vắc xin, không cần phải cách ly y tế, nhưng chúng ta bay đi mà không bay về được.

Châu Âu, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn, ai cũng được vào miễn là đã tiêm vắc xin; nhiều người Việt Nam đi EU, Mỹ không gặp khó khăn gì. Dubai đã mở cửa hoàn toàn từ tháng 8 và chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, không yêu cầu chứng chỉ vắc xin.

Thái Lan cũng đã mở cửa cho người đã tiêm vắc xin đến từ 63 quốc gia. Họ đã áp dụng chính sách visa như trước Covid-19. Campuchia mở cửa cho người đã chủng ngừa đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới và thực hiện chính sách visa như trước Covid-19. Singapore mở cửa theo các thỏa thuận song phương “Làn xanh vắc xin”và đã ký với hơn 10 nước.

Đến nay, không có quốc gia nào yêu cầu cách ly tập trung.

Quay lại với quỹ đạo bình thường

Thứ nhất, đề nghị tạo điều kiện ngay lập tức cho mọi công dân Việt Nam từ nước ngoài về không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục xét duyệt nào, bằng các chuyến bay thường lệ của các hãng hàng không nước ngoài đang bay đến Việt Nam. 

Nhanh chóng cho phép các hãng hàng không Việt Nam mở lại các đường bay thường lệ quốc tế thay thế các chuyến bay hồi hương với thủ tục quá khó, chuyến bay quá ít, giá vé quá đắt. Không bắt buộc cách ly tập trung hành khách người Việt Nam nếu đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã bị nhiễm Covid-19 và hồi phục, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi bay. Trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng người lớn không cần có chứng chỉ vắc xin. 

Chính sách này cần gấp, vì Tết nguyên đán đã cận kề. Tết với người Việt Nam thiêng liêng lắm, đồng bào cần đoàn tụ với gia đình, với họ hàng và quê hương.

Thứ hai, đối với các đối tượng khách nước ngoài vào Việt Nam không vì mục đích du lịch, bao gồm khách công vụ; giới đầu tư, kinh doanh; các chuyên gia, lao động cao cấp của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam: Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi như đối với công dân Việt Nam từ nước ngoài về để tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực cấp cao.

Thứ ba, đối với khách du lịch nước ngoài: Đề nghị áp dụng các chính sách như của Thái Lan, đặc biệt là áp dụng các chính sách visa như trước Covid-19. Không bắt buộc mua tour trọn gói (vé máy bay và đặt phòng khách sạn trong danh sách các khách sạn được phê duyệt là đủ).

Các sân bay áp dụng trước mắt: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vân Đồn, Cam Ranh, Phú Quốc. Nối tour, di chuyển nội địa cần áp dụng các quy định di chuyển nội địa.

Bàn chuyện mở cửa đón đồng bào, mở cửa hàng không và du lịch, tôi không có ý đặt nặng chuyện kiếm tiền mà coi nhẹ chuyện chống dịch bệnh.

Song, hoàn cảnh lúc này đã khác khi tỷ lệ tiêm phủ vắc xin đã cao, cách chống dịch của chúng ta đã theo hướng sống “thích ứng, an toàn” và các quốc gia khác trên thế giới đã mở cửa. Chúng ta cần sớm quay lại với quỹ đạo bình thường thay vì đóng cửa cô đơn.

TS Lương Hoài NamLan Anh ghi

Cánh cửa về nhà

Cánh cửa về nhà

Từ tháng 3/2020, khi các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam gián đoạn, rồi ngừng hẳn do dịch Covid-19, công dân Việt Nam gần như không còn con đường nào khác để về quê, trừ phi được bay trên các chuyến giải cứu.