Gần tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế
Ngày 21/3, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, chính thức miễn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới, giãn chu kỳ kiểm định đối với xe gia đình. Nhiều quy định, tiêu chuẩn đăng kiểm mới đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của xã hội. Quy định về chu kỳ kiểm định xe mới sản xuất đến hết năm thứ 7 đã tương đồng với các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Mỹ…
Tuy nhiên, quy định chu kỳ kiểm định là 1 năm/lần cho xe sản xuất từ sau 7 năm đến 20 năm vẫn còn gây nhiều băn khoăn vì chu kỳ còn quá dày đặc và còn gây khó cho người dân.
Theo quy định mới, tính chung một chiếc xe con dưới 10 chỗ ngồi lưu hành tại Việt Nam sau 20 năm sẽ phải thực hiện đăng kiểm tới 14 lần, cao hơn nhiều so với 9 lần trong 20 năm ở các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tại Đức, ô tô con mới sản xuất được miễn đăng kiểm 3 năm đầu và về sau cứ định kỳ 2 năm mới kiểm định một lần, không quan tâm tới năm sản xuất; ở Nhật Bản cũng tương tự; còn ở Mỹ, tại một số tiểu bang xe mới được miễn đăng kiểm tới 4 năm, về sau cũng chỉ có định kỳ 2 năm không quan tâm tới năm sản xuất…
Chính Cục Đăng kiểm cho biết, khoảng 70% xe con ở Việt Nam là của các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc. Đa số phần còn lại là xe từ Mỹ và EU. Vậy vì sao không theo luôn tiêu chuẩn đăng kiểm của các quốc gia này?
Kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, một người làm việc lâu năm trong ngành ô tô tại CHLB Đức cho biết, tại Đức ra cao tốc ô tô không bị giới hạn tốc độ, muốn chạy nhanh bao nhiêu cũng được, trừ 1 số đoạn nguy hiểm mới bị giới hạn, vậy mà người ta đưa ra chu kỳ kiểm định cho xe là 2 năm không quan tâm tới năm sản xuất. Không lẽ người Đức coi thường sự an toàn hơn Việt Nam?
Kỹ sư Đồng đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu để quy định chu kỳ kiểm định xe con từ sau năm thứ 7 đến năm thứ 20 là 1 năm/lần? Cơ quan chức năng có con số thống kê nào đủ thuyết phục về xe chạy sau 7 năm nếu đăng kiểm 2 năm/lần thì không an toàn hơn đăng kiểm 1 năm/lần không?
Công nghệ sản xuất ô tô của nhân loại ngày càng hiện đại và tinh vi, những chiếc ô tô ngày càng thông minh và có tính an toàn cao. Chỉ một lỗi nhỏ về an toàn cũng ngay lập tức được hệ thống tự động cảnh báo, vì vậy nó khác trước rất nhiều. Mọi thứ đã thay đổi từ lâu rồi mà tư duy quản lý vẫn cứng nhắc, sẽ cản trở sự phát triển và làm khổ cả xã hội.
Trình tự rút gọn và thực tế nóng bỏng
Thông tư mới được ban hành theo trình tự rút gọn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của thực tế. Tuy nhiên, để ra được chính sách đúng ít nhất cần có dữ liệu về tình trạng tai nạn giao thông trên toàn quốc. Dữ liệu này bao gồm tuổi thọ xe, kiểu dáng xe, hình thức sử dụng kinh doanh hay không, thời điểm đăng kiểm gần nhất, thiệt hại về tài sản, về người của mỗi vụ tai nạn, cùng nhiều thông số khác như số công tơ mét, thông tin về tài xế…
Trên cơ sở đó sẽ tính toán ra ảnh hưởng của thời gian đăng kiểm đến nguy cơ tai nạn và thiệt hại. Tiếp theo là tính toán chi phí của việc quy định các tần suất đăng kiểm khác nhau. Cuối cùng là so sánh giữa chi phí của việc đăng kiểm và lợi ích giảm tai nạn thu được. Có như vậy mới đảm bảo tính khoa học và sự thuyết phục. Nếu chỉ dựa vào chuyên môn của một số người mà những người này lại được hưởng lợi từ chu kỳ kiểm định ngắn thì chắc chắn họ sẽ nói “ngắn tốt hơn dài”.
Nhìn vào định kỳ đăng kiểm ô tô ở Việt Nam vừa qua có thể thấy, quy định rất nghiêm ngặt. Xe mới cũng phải kiểm định an toàn. Định kỳ đăng kiểm lần đầu có thời hạn 2,5 năm, sau đó giảm xuống còn 1,5 năm, rồi từ năm thứ 7 trở đi là 1 năm và từ năm thứ 12 trở đi chỉ còn có 6 tháng. Tuy nhiên, với việc các trung tâm đăng kiểm cứ vòi vĩnh, nhận hội lộ, để bỏ qua mọi lỗi thì sự nghiêm ngặt chỉ mang tính hình thức và chỉ làm người khổ người dân mà thôi.
Quy định chu kỳ đăng kiểm ô tô con sau 7 năm sản xuất trong Thông tư mới có vẻ vẫn xuất phát từ việc thiết kế chính sách thiên về lợi ích ngành, chưa tiếp thu đầy đủ kinh nghiệm quốc tế.
Kéo dài chu kỳ kiểm định không có nghĩa là chúng ta chấp nhận rủi ro về an toàn. Với những xe có lịch sử tốt, không bị tai nạn, các thông số kỹ thuật đảm bảo thì nên để chu kỳ kiểm định định kỳ 2 năm/lần. Còn những xe có vấn đề, yêu cầu phải sửa chữa khắc phục và có định kỳ ngắn hơn. Điều này sẽ khuyến khích người dân chăm sóc chiếc xe của mình tốt hơn và điều quan trọng là được giải thoát khỏi nỗi khổ về thủ tục đăng kiểm.
Liệu có giải tỏa tình trạng tắc nghẽn đăng kiểm?
Đại diện Cục Đăng kiểm cho biết, Thông tư 02/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ 22/3, vì vậy sẽ không hồi tố ngược về trước, ô tô không được tự động gia hạn về đăng kiểm. Khi đến hạn kiểm định, người dân phải đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm để kiểm định. Sau khi hoàn thành các công đoạn kiểm định sẽ được áp dụng chu kỳ kiểm định phù hợp với từng loại xe tương ứng.
Nhiều người dân hy vọng ô tô sẽ được tự đông gia hạn đăng kiểm theo quy định mới đã phản ánh nỗi thất vọng. Họ cho rằng, nếu xe của họ được tự động gia hạn đăng kiểm theo quy định mới, sẽ giảm tải cho hoạt động đăng kiểm và giảm nỗi khổ trong tình hình căng thẳng hiện nay.
Tình trạng dồn ứ, tắc nghẽn rất căng thẳng ở các trung tâm kiểm định phương tiện đã kéo dài từ nhiều tháng qua. Người dân và doanh nghiệp rất khổ sở, mất công, mất tiền. Tình trạng này xảy ra không phải là lỗi từ phía họ, các cơ quan quản lý cũng không phải không biết về việc này.
Thông tư mới ban hành chắc chắn không giúp giải tỏa tình trạng quá tải hiện nay vì "Khi đến hạn kiểm định, người dân phải đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm để kiểm định”, như một lãnh đạo Cục Đăng kiểm nói. Hơn nữa, năng lực kiểm định ở Hà Nội chỉ còn ¼ vì đa số trung tâm kiểm định đã bị đóng cửa, nhiều nhân viên kiểm định đang đối diện với pháp luật.
Một điểm nữa cần làm rõ, là nên quy định về lộ trình phạt quá hạn kiểm định theo kinh nghiệm của các nước phát triển, không nên vừa quá hạn đăng kiểm 1 ngày đã bị phạt như hiện nay.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, quy mô thị trường ô tô Việt Nam ngày càng tăng. Ước tính sẽ đạt từ 700-800 nghìn xe vào năm 2025, từ 1- 1,2 triệu xe vào 2030 và 1,8 triệu xe sau 2035.
Nếu các chính sách cố níu giữ giữ chu kỳ kiểm định dày đặc, có thể khiến hoạt động đăng kiểm xe luôn trong tình trạng quá tải, gây ra những căng thẳng và thiệt hại cho xã hội.
Trần Thủy