Trong công văn gửi UBND TP.HCM, Bộ Tài chính thông tin đã nhận được công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, công văn của Cục Hải quan Bình Dương liên quan đến Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM; công văn của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo một số bất cập, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cũng được nhắc đến.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM. Các công văn cho biết, việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử.
Theo Điều 8, Luật Phí và Lệ phí, mức phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính hợp lý của Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND và rà soát nội dung Hiệp định Vận tải đường thủy Việt Nam - Campuchia để điều chỉnh Nghị quyết thu phí đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp với quy định.
Tại công văn số 3978/BTC-CST, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp quy định Luật Phí và lệ phí.
Hà Duy
Quá nhiều loại phí gây tốn kém cho doanh nghiệp, do đó các hiệp hội kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cho đến hết 31/12/2022, thay vì ngày 1/4 tới đây.