- Cắt bỏ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều quy định vô lý vẫn được duy trì. Nhiều quy định đưa ra không thể thực thi được, chỉ thuận lợi cho việc thanh tra xử lý DN. Nhiều điều kiện kinh doanh không phải cắt giảm mà chuyển sang hình thức khác. Điều DN cần là cắt bỏ để giảm gánh nặng, còn chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, không thể giảm gánh nặng.
Cắt giảm nhiều vẫn chưa vừa ý
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng vụ Pháp chế Bộ GTVT cho biết, dự kiến tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa lần này là 352/570 điều kiện, đạt tỷ lệ 61,75%. Nguyên tắc là cắt giảm để tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường. Các lĩnh vực đều thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa theo mục tiêu trên, tuy nhiên, một số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay, đang được quy định tại văn bản luật, vì vậy, để cắt giảm các điều kiện này phải thực hiện việc sửa các luật có liên quan.
Ý kiến từ các DN cho biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đã loại bỏ nhiều quy định trói buộc DN. Chẳng hạn như quy định về số lượng xe tối thiểu, một số thành phần trong hồ sơ cấp phép theo hướng cải cách thủ tục hành chính, thống nhất niên hạn 12 năm cho xe taxi, sửa quy định về người điều hành vận tải. Đồng thời, bỏ các quy định đối với DN, hợp tác xã như: phải ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quy định về cơ quan quản lý tuyến...
Nhiều DN vẫn bức xúc về các điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ vô lý nhưng vẫn được giữ nguyên. |
Dự thảo Nghị định đã thể hiện một số đổi mới về tư duy và cải thiện về cách thức quản lý nhà nước, nhưng vẫn còn những quy định vô lý được duy trì như: lái xe phải mang theo danh sách hành khách, có xác nhận của đơn vị kinh doanh. Trước khi thực hiện vận chuyển, phải thông báo tới Sở Giao thông Vận tải là nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các thông tin của chuyến đi…
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần loại bỏ các điều kiện không cần thiết tạo gánh nặng cho DN. Trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014TT-BGTVT còn nhiều quy định mang nặng tính áp đặt hành chính, can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Chẳng hạn yêu cầu về phương án kinh doanh, có nơi đỗ xe phù hợp, người điều hành… Bản thân DN nắm rõ nhất nhu cầu thị trường, để có phương án kinh doanh, nhân sự phù hợp, không cần Nhà nước phải quy định.
Một số quy định buộc DN vận tải không được ấn định trước lịch trình, hành trình, chỉ được ký hợp đồng với tổ chức cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến… đã trực tiếp hạn chế quyền dân sự hợp pháp của DN, đồng thời làm giảm hiệu quả của hoạt động vận tải. Về mặt pháp lý, Bộ Tư pháp đã có ý kiến chính thức về quy định: “ đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng”, tôi đề nghị cần phải tiếp thu nghiêm túc. Cần tôn trọng quyền tự quyết của DN và hạn chế đưa ra các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện kinh doanh nào, cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì và tác dụng đó có bù đắp được chi phí của xã hội hay không, ông Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, điều kiện kinh doanh trong vận tải đường bộ có những quy định đưa ra không thể thực thi được, chỉ thuận lợi cho việc thanh tra xử lý DN. Tinh thần là kiến tạo cho DN phát triển, thì phải xóa bỏ cơ chế xin cho, cái gì hậu kiểm được thì chuyển ngay sang hậu kiểm, tránh tiền kiểm. Trên thực tế, có những DN đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua ô tô nhưng không thể tham gia vận tải hành khách được. Bởi điều kiện kinh doanh quy định, muốn vào tuyến phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Không được chấp thuận đành chịu, để xe đắp chiếu, ông Thanh nói.
Có những điều kiện đưa ra không thể thực hiện được hoặc thực hiện đối phó như quy định: xe hợp đồng trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi. Hiện nay DN thì làm đối phó, còn các sở GTVT địa phương nhận thông báo rồi cũng để đó, không biết làm gì. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến cơ sở và đã có nhiều kiến nghị, nhưng vẫn không sửa được hết, ông Thanh nói.
Gánh nặng chưa được gỡ bỏ
Ông Nguyễn Công Hùng, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện có nhiều quy định quá chặt với hoạt động taxi, chúng tôi kiến nghị nhiều lần mà không thay đổi. Chẳng hạn như quy định đăng kiểm với xe taxi cũ 6 tháng 1 lần, làm cho DN tốn kém lớn. Các DN thường mua xe theo lô cả trăm, chiếc đến kỳ cùng mang đi đăng kiểm vào 1 thời điểm, vận hành phải dừng, chi phí tốn. Có DN tốn cả chục tỷ đồng vì quy định này. Chúng tôi đề nghị thời gian đăng kiểm với taxi cũ là 1 năm, nhưng không được chấp nhận, trong khi Uber hay Grab thì giống như xe cá nhân, đăng kiểm 1 năm 1 lần.
Cũng tương tự như vậy là kiểm định đồng hồ tính cước. Theo quy định hiện tại là 1 năm 1 lần. Mỗi lần mang xe đi kiểm định mất khoảng 45 phút, với chi phí 110.000 đồng mà chỉ cắm máy vào xem rồi dán tem. Quy định này cũng gây tốn kém cho DN rất lớn. Nên để cho DN chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm. Cái gì cắt bỏ được thì nên cắt bỏ, để DN đỡ gánh nặng và giảm giá cước cho khách hàng, ông Hùng nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, qua rà soát về lĩnh vực giao thông vận tải có 570 điều kiện kinh doanh, đợt này thực hiện cắt giảm trên 350 điều kiện. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh không phải cắt giảm mà chuyển sang quy định về hoạt động vận tải và trách nhiệm DN. Tức là không phải cắt bỏ đi mà chuyển sang hình thức khác. Điều DN cần là cắt bỏ để giảm gánh nặng, còn chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, không thể giảm gánh nặng.
Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ GTVT vẫn mang tính kỹ thuật và cơ học nhiều hơn. Tức là thấy cái gì không cần thì bỏ, chứ chưa phải là gỡ bỏ những điều kiện gây cản trở kinh doanh. Tôi lấy ví dụ: Bộ GTVT chia vận tải đường bộ thành 5 loại hình và quy định riêng cho các loại hình này, để không cạnh tranh với nhau. Tức là tạo những “sân chơi” riêng. Nhưng cần tư duy lại, những loại hình này nên để cho thị trường quyết định. Các loại hình có thể cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn taxi có thể đến lúc nào đó cạnh tranh thay thế vận tải cố định, nếu giá rẻ hơn, ông Hiếu nói.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đang tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng. DN kinh doanh vì lợi nhuận, nếu thấy thua lỗ thì sẽ không làm, vì vậy gánh nặng thực chất là do người tiêu dùng gánh chịu. Nên cắt giảm các điều kiện kinh doanh, để cho người tiêu dùng được thụ hưởng.
Theo ông Phan Đức Hiếu, quy định vận tải của các nước trên thế giới trong những năm gần đây, luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu và không hạn chế sự sáng tạo, cạnh tranh của người kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, việc đưa ra nhiều điều kiện không đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh đó được kiểm soát tốt hơn và hạn chế được rủi ro hay đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Do đó, cần phải loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phục vụ cho lợi ích công, đồng thời chú trọng vào chất lượng của các điều kiện.
Trần Thủy
Cấm taxi truyền thống dùng phần mềm gọi xe Grab: Tranh cãi đúng sai
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đã có văn bản gửi Hợp tác xã taxi Đà Lạt yêu cầu ngừng ứng dụng phần mềm Grabtaxi trên taxi của Hợp tác xã này.
Hàng vạn taxi, Uber, Grab chịu ảnh hưởng từ quy định mới?
Ô tô cá nhân sẽ không được chạy Uber, Grab nếu không thuộc một doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Hàng loạt lái xe Uber, Grab sẽ không được tiếp tục hoạt động nếu không thay đổi.
Bộ Giao thông yêu cầu GrabTaxi ngừng hoạt động tại 3 tỉnh
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa yêu cầu GrabTaxi Việt Nam ngừng hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Đây là các địa phương không nằm trong 5 tỉnh, thành được phép thí điểm.
Taxi không quá 6 tuổi mới được chở khách ở Nội Bài?
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi phản ánh, việc CHK Nội Bài quy định xe taxi hoạt động khai thác tại sân bay này phải có niên hạn không quá 6 năm là trái với quy định.
Taxi chặt chém du khách giá cước gấp 10 lần nhận 'cái kết đắng'
Nghĩ du khách bất đồng ngôn ngữ, tài xế Chử Văn Điệp thông báo giá từ 82.000 đồng thành 820.000 đồng.
Đại gia taxi khốn đốn: Sa thải người, bán xe trả nợ
Từng ở vị trí ngôi vương, các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các loại hình kinh doanh mới.
Đi sân bay Nội Bài 160.000: Taxi 'đổi máu' giành khách
Sau khi Uber công bố mức giá cạnh tranh với taxi chặng Hà Nội - Nội Bài, các hãng taxi đã “đổi máu” quyết tâm lấy lại thị phần.