Tiêu chuẩn viên chức ngành tài nguyên và môi trường thay đổi

Thông tư 12 của Bộ TN&MT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường, có hiệu lực từ ngày 9/12.

Viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường ở các chức danh địa chính viên, điều tra viên tài nguyên môi trường; dự báo viên khí tượng thủy văn; kiểm soát viên khí tượng thủy văn; quan trắc viên tài nguyên môi trường; đo đạc bản đồ viên các hạng II, III, IV được bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc sử dụng phần mềm chuyên ngành địa chính. Đồng thời, phải biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Nhân viên quan trắc môi trường đo chất lượng không khí. Ảnh minh họa: Trần Thường

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao từ 10/12

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao được quy định cụ thể tại Thông tư 07 của Bộ VHTT&DL.

Theo đó, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao như sau:

1. Huấn luyện viên cao cấp (hạng I) Mã số: V.10.01.01

2. Huấn luyện viên chính (hạng II) Mã số: V.10.01.02

3. Huấn luyện viên (hạng III) Mã số: V.10.01.03

4. Hướng dẫn viên (hạng IV) Mã số: V.10.01.04

Thông tư 09 của Bộ VHTT&DL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật.

Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật quy định tại thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

Khi bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ. Ảnh minh họa

Kể từ tháng 12 sẽ thay đổi một số yêu cầu thăng hạng đối với viên chức chuyên ngành họa sĩ.

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng I, II phải có thời gian giữ chức danh họa sĩ các hạng II, III hoặc tương đương từ đủ 6-9 năm trở lên.

Trong thời gian giữ chức danh nêu trên có ít nhất 2 công trình, tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành cấp Bộ hoặc tương đương công nhận về chất lượng nghệ thuật hoặc được tặng giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp, triển lãm về văn học, nghệ thuật toàn quốc (hoặc cấp quốc gia).

Được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hoặc được tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về văn học, nghệ thuật.

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh họa sĩ hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (nội dung mới bổ sung).

Tăng thời hạn tối thiểu giữ chức danh đối với viên chức ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh

Thông tư 10 Bộ VHTT&DL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, kể từ tháng 12 tăng thời hạn tối thiểu giữ chức danh đối với viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh.

Đối với chức danh đạo diễn nghệ thuật

Thông tư 10 quy định khi thăng hạng, nghề đạo diễn nghệ thuật hạng I, II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật lần lượt các hạng II, III hoặc tương đương phải đủ từ 6-9 năm trở lên.

Với đạo diễn nghệ thuật hạng III khi thăng hạng phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp. (So với hiện hành, quy định mới đã bổ sung "không kể thời gian tập sự, thử việc").

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng II, III, IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng; (hiện hành thời gian này là 2 năm).

Đối với chức danh diễn viên

Diễn viên các hạng I, II khi thăng hạng phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên các hạng II, III hoặc tương đương đủ từ 6-9 năm trở lên (hiện hành là 5 năm).

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (diễn viên hạng I hiện hành là 2 năm, hạng II là 1 năm).

Với diễn viên hạng III phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp (so với hiện hành, quy định mới đã bổ sung "không kể thời gian tập sự, thử việc").

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh diễn viên hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (nội dung mới bổ sung).

Nhiều viên chức có mức lương hơn 11 triệu đồng

Các chức danh nghề nghiệp viên chức sau đây được áp dụng hệ số lương từ 6.2 đến 8.0:

Chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng I

Đạo diễn nghệ thuật hạng I, Diễn viên hạng I

Họa sĩ hạng I

Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng. Như vậy, các chức danh nghề nghiệp viên chức trên có mức lương cao nhất là 11.920.000 đồng/tháng.