Bức xúc trước những quy định bất hợp lý liên quan đến kinh doanh gas, logistics, bia rượu nước giải khát, dệt may,... các doanh nghiệp đồng loạt tố khổ lên Bộ Công Thương. “Xin đừng giết doanh nghiệp bằng chính sách”, luật sư Trương Thanh Đức khẩn thiết.
Vượt ngàn cây số để kêu khổ
“Rất khổ, khổ lắm” - ông Trần Trung Nhật, đại diện doanh nghiệp kinh doanh gas ở Tây Ninh - “than thở” khi phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành công thương năm 2016.
Ông Nhật cùng 44 doanh nghiệp gas từ Bắc chí Nam, vượt hàng nghìn cây số có mặt ở Hà Nội trước đó 1 ngày để chờ được “kêu” lên lãnh đạo Bộ Công Thương.
“Nghị định can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của từng doanh nghiệp, đại lý. Chúng tôi không biết mình kinh doanh hay cơ quan soạn thảo đi kinh doanh”, đại diện doanh nghiệp gas nói.
Đại diện các doanh nghiệp bức xúc về chính sách bất hợp lý của ngành công thương |
Nói thêm các quy định khác của nghị định 19, ông Nhật than: “Lằng nhằng, khó hiểu lắm. Riêng kinh doanh gas, khí, từ năm 2010 đến nay, chưa đầy 6 năm ra 2 nghị định. Các điều kiện kinh doanh mâu thuẫn với nhau, khó hiểu, không thực tế, không thực hiện được, gây rất khó khăn cho doanh nghiệp.
“Suốt ngày doanh nghiệp phải đi đối phó với chính sách, khổ lắm”, ông Nhật bộc bạch. “Làm sao chính sách phải ổn định, thông thoáng, rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho người ta làm việc, tạo ra của cải vật chất”.
Nhiều doanh nghiệp gas khác cũng lên tiếng muốn Bộ Công Thương sửa các quy định tại Nghị định 19 cho hợp lý vì hiện tại muốn kinh doanh được phải bỏ ra ít nhất 100 tỷ đồng.
Phản hồi lại, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: “Chúng tôi đang rà soát trình Chính phủ cho phép sửa đổi nghị định 19 và rất lắng nghe để các sửa đổi đó”.
Khẳng định “cái tâm của người soạn thảo không xấu”, ông Khánh chia sẻ: Đừng nghĩ những người soạn thảo nghị định này “bóp” doanh nghiệp, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu của họ chính đáng, cách làm có thể chưa chuẩn.
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội như Logistics, Bia rượu nước giải khát, Dệt may,... cũng lên tiếng trước nhiều bức xúc.
Tiếc nuối vì các doanh nghiệp dệt may từng tuột mất đơn hàng trị giá nhiều tỷ đô về may quân trang quân phục cho quân đội nước ngoài, ông Trương Văn Cẩm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay, Bộ Công Thương sau đó có ra thông tư về những điều kiện để được gia công quân phục cho nước ngoài, song thông tư có cũng như không.
“Thông tư quy định phải cho biết gia công cho quân đội nào, ai sử dụng. Như thế là đánh đố nhau, không thực hiện được vì doanh nghiệp chỉ nhận gia công qua trung gian”, ông Cẩm nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ngắt lời ông Cẩm: “Chúng tôi không muốn doanh nghiệp sản xuất quân phục mà không biết quân phục đó là của quốc gia đó, vận chuyển đi đâu. Chúng tôi mong anh thông cảm”, ông Khánh chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ đạo tại hội nghị |
Đừng buộc tội những người làm chính sách
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác Thi hành Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đã liệt kê một loạt chính sách của Bộ Công Thương mà ông cho là bất cập. Đó là nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo, về kinh doanh phân bón, về kinh doanh gas, và “kinh khủng nhất” theo ông Đức là nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
“Những quy định trong các nghị định trên rất bất hợp lý. Trước có thể đúng giờ sai. Trước có thể hợp pháp giờ là trái Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp”.
Ông Đức thẳng thắn: “Nếu duy trì những chính sách này không thể không nghi ngờ rằng, có phải những doanh nghiệp lớn muốn diệt doanh nghiệp nhỏ hay không? Như thế, thương nhân liệu có thành thương hại không, có thành nạn nhân của chính sách như này không? Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giải tỏa các nghi ngờ trên”.
“Xin đừng giết doanh nghiệp bằng chính sách. Hãy để doanh nghiệp bị giết bằng thị trường, cạnh tranh, chất lượng”, ông Đức khẩn thiết.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói thêm, ngành Công Thương thường có điều kiện kinh doanh về phân bón, xăng dầu, gas,... can thiệp thái quá vào thị trường. Trong khi, quy mô của doanh nghiệp dựa vào cung cầu của thị trường, nhà nước không nên can thiệp. Các điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô này sẽ hạn chế khởi nghiệp.
“Muốn doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh ai cũng mong muốn. Nhưng hạn chế doanh nghiệp nhỏ, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mà không mạnh. Lớn mà không mạnh thì khi đó còn nguy hiểm nữa”.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: "Không một ai xây dựng chính sách để giết doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc tội như vậy là sai lầm. Xin các anh các chị đừng buộc tội những người làm chính sách đang cố tình giết doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ doanh nghiệp lớn. Không có chuyện đó".
“Có thể người ta xây dựng pháp luật theo triết lí của ngày hôm qua, chưa kịp thay đổi cho ngày hôm nay. Như thế, hãy phát biểu, hãy nói họ điều đó để họ thay đổi. Họ đang ở đây, lắng nghe và sẵn sàng thay đổi”, ông Khánh cam kết sẽ bãi bỏ các điều kiện mang tính quy mô. Bởi nếu không sẽ không thể xuất hiện những nhà khởi nghiệp như Uber đã làm được. Ông cũng khẳng định những ý kiến của DN sẽ được tiếp thu.
Lương Bằng