Nơi kia trẻ em mới lọt lòng đã phải cõng phí. Nơi này người lớn dạn dày trong sự… lãng phí. Cách xa nhau về kiểu “phí”, nhưng lại rất gần nhau ở chỗ- không phải về… đạo lý!

Những ngày tháng này đời sống nước Việt có những chuyện mà mới nghe thoạt tưởng bịa. Tưởng bịa mà hóa ra thật.

Điệp khúc “cõng phí”…   

Tỷ như chuyện Vừa lọt lòng đã “cõng” các loại phí, ở xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa) báo Lao động đưa ngày 04/7. Đó là câu chuyện các em bé ở xã này vừa lọt lòng còn đỏ hỏn, được cha mẹ khai sinh, cứ có tên trong sổ hộ khẩu là cũng phải đóng các loại phí như người lớn, kể cả các loại phí đến người lớn cũng không biết nộp rồi chi ra… răng? Mà không phải một năm, chuyện trẻ lọt lòng cũng phải cõng phí, nghe rất đáng xấu hổ - đã nhiều năm - như điệp khúc ở cái xã miền Trung này

Nhưng bắt đầu phải từ thôn trước. Các quỹ ở thôn rất phong phú: Quỹ thiếu niên, quỹ bóng đá, quỹ phúc lợi xã hội, quỹ thôn làng văn hóa, quỹ khuyến học, quỹ họp dân, kiểu ra ngõ là gặp quỹ.

Sau thôn mới đến xã. Quỹ của xã cũng phong phú không chịu kém: Nào là quỹ đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ an ninh - quốc phòng, quỹ phòng chống thiên tai. Thú thật, đọc các loại quỹ mà hoa cả mắt. Giá chị Dậu, người đàn bà nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố có sống lại cũng cảm giác được… an ủi.

{keywords}

Chuyện cõng phí thật ra không phải nỗi khiếp sợ của riêng ai. Ảnh minh họa

Cũng theo báo Lao động, từ năm 2007 Chính phủ đã có chỉ thị số 24 về các khoản đóng góp của nhân dân phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Tự nguyện có nghĩa là người đóng góp hoàn toàn tự giác đóng. Thế nhưng trong thực tế, nếu người dân ở xã Minh Lộc không tự nguyện, thì xã đã… tự nguyện thông báo: Yêu cầu  ông bà chuẩn bị đủ số tiền trên về giao nộp cho thôn đúng thời hạn. Và nếu gia đình nào không tự nguyện nộp tiền theo yêu cầu của xã sẽ còn được bêu dương hằng ngày trên loa phóng thanh, bị cắt điện sinh hoạt.

Mà sau lũy tre làng, tâm lý người dân một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp. Nhưng miếng giữa đàng kiểu này thì chắc chả người dân nào ở xã Minh Lộc muốn. Và cứ thế, đến hẹn phải lên, dù lòng chả muốn tẹo nào.

Nên nhớ, xã có 290 hộ dân, với hơn 14.000 khẩu, thì số tiền của các quỹ tích cóp riêng một năm cũng không hề nhỏ.

Chuyện cõng phí thật ra không phải nỗi khiếp sợ của riêng ai.

Tháng 08/2015, taị phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính toán của các ngành chức năng cho thấy người nông dân cõng đến hơn 1.000 loại phí. Riêng con gà thôi cũng phải “chia phí” với con người, cõng sơ sơ khoảng 14 loại. Đến nỗi ông Chủ tịch QH lúc đó đã kêu lên: “Một con gà thu 14 loại phí, trời đất ơi!”

Ông cựu Chủ tịch QH than trời vì phí của con gà, nghị trường, người dân cả nước có thể nghe được. Nhưng người dân xã Minh Lộc than trời vì phải cõng phí, có thấu đến ai?

Còn các bé sơ sinh mới biết oe oe đòi ti bầu tí thì nói làm sao, kêu làm sao bây giờ?

Quan ở xa, bản nha ở gần. Mặc dù ông huyện Hậu Lộc kêu năm nào cũng có văn bản “chấn chỉnh” các xã lạm thu là không thể. Nhưng năm nào lạm thu ở các ông thôn, ông xã cũng diễn ra như có thể.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khó có thể hình dung ca khúc Không thể và có thể của mình lại ứng dụng phổ biến đến thế sau lũy tre làng!

…Và điệp khúc lãng phí

Cũng lại có một điệp khúc, giống nhau ở chữ phí, nhưng khác nhau rất nhiều ở bản chất - đó là sự lãng phí. Vụ việc Nhà máy giấy Phương Nam (Long An) đầu tư tới 3.000 tỷ đồng, sau 10 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, rút cục giờ sẽ… trơ tiếp, đang là vụ việc gây ấn tượng.

Không chỉ có nhà máy này, cả vùng nguyên liệu đay cho nhà máy của nông dân hai huyện Thạch Hóa- Mộc Hóa, sau những khấp khởi hoan hỉ cũng rơi vào thân phận ăn theo - xóa sổ.

Điều đáng nói, cung bậc thất bại của nhà máy luôn “tỷ lệ thuận” với số vốn đầu tư. Khởi đầu là gần 1.500 tỷ - được Bộ Tài chính bảo lãnh để vay vốn. Rồi điều chỉnh lên đến hơn 2.280 tỷ đồng. Và cuối cùng, đội tới 3.000 tỷ.

Đội lên tới 3.000 tỷ, nhưng nói theo ngôn ngữ điện ảnh thành công chưa thấy, thất bại đã có phần.

Theo báo Dân Việt, ngày 05/7, mới chỉ trong quá trình chạy thử, cả hệ thống đã luôn tắc nghẽn. Vì tắc ngay khâu đầu tiên, nên toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được, kể cả khi mời các chuyên gia nước ngoài tham gia khắc phục, kể cả tìm cách thay nguyên liệu sản xuất từ đay bằng gỗ cứng. Theo các chuyên gia, công nghệ không phù hợp nên có sửa chữa hay cải tiến thì cũng không được.

Nhưng sự lãng phí của các công trình, dự án ngàn tỷ này, cũng không phải của hiếm. Và còn là nỗi khiếp sợ của người dân.

Vào Google đánh dòng chữ “những dự án ngàn tỷ đồng lãng phí”, có thể cho ra ngay 623.000 kết quả trong 0,40 giây. Đủ hiểu tính phổ biến và đáng sợ của loại công trình này ra sao.

{keywords}
Nhà máy giấy Phương Nam (Long An) đầu tư khủng, tiếp tục trơ gan cùng tuế nguyệt. Ảnh: PLTP

Cách đây một năm, hiện trạng này đã là nỗi nhức nhối tại các kỳ họp Quốc hội, khi các ĐBQH thẳng thắn chất vấn các “tư lệnh ngành” Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Tài chính lúc đó. Tỷ như Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng vẫn nằm đắp chiếu sau gần 10 năm thực hiện. Tỷ như Dự án Polyester ở Hải Phòng, vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, nhưng riêng năm 2014 đã lỗ 1.000 tỷ đồng và đang dừng hoạt động, v.v…

Dường như địa phương nào, ngành nào cũng có những dự án, công trình nghìn tỷ đắp chiếu “ăn vạ”, chờ “bát cháo hành” từ nhà nước

Nhưng các bộ ngành chức năng liên quan sẽ trả lời và có các giải pháp hồi sinh các dự án này làm sao, nếu như tư duy kinh tế đã có vấn đề từ… gốc? Nếu như ở các loại dự án kiểu này, lợi ích nhóm luôn ngự trị. Và sự lãng phí cuối cùng sẽ do “tập thể chịu trách nhiệm”?

Môi trường kinh doanh luôn bất bình đẳng, nhiều khi thành dung dưỡng cho sự kém cỏi, bất tài của không ít vị quan chức, doanh nghiệp nhà nước. Các dự án, các công trình nghìn tỷ này được yêu chiều, ưu đãi đến bao giờ? Tỷ như Nhà máy giấy Phương Nam là một ví dụ, khi chính Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh để dự án được vay vốn. Giờ đây, không hiểu Bộ Tài chính sẽ có bảo lãnh tiếp?

Và có phải vì thế, mà nợ công quốc gia cứ tiếp tục… thăng tiến?

Nơi kia trẻ em mới lọt lòng đã phải cõng phí. Nơi này người lớn dạn dày trong sự lãng phí. Cách xa nhau về kiểu “phí”, nhưng lại rất gần nhau ở chỗ- không phải về... đạo lý!

Kỳ Duyên