Người Nhật đang chuẩn bị đón mừng năm mới 2015, năm thứ 142 kể từ khi Nhật hoàng quyết định thay đổi lịch theo người phương Tây, đánh dấu Cải cách Minh Trị. Nhưng với một người cũng đang theo đuổi một cuộc cải cách tham vọng khác, thủ tướng Shinzo Abe, năm nay có lẽ ông sẽ không có nhiều thời gian để đi lễ chùa như nhiều người Nhật khác.
Dù mới tái đắc cử với số phiếu áp đảo, nhưng với ông Abe, như tờ Foreignpolicy “tiên đoán”, đó sẽ chỉ là một “kỳ trăng mật ngắn ngủi”. Vị thủ tướng đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn từ cả trong và ngoài nước.
Chiến thắng không hoàn hảo
Trên con số thống kê, có vẻ như Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe đã có một chiến thắng vang dội. LDP giành được 291 ghế qua đó giành phần kiểm soát Hạ viện, nhánh quốc hội có quyền lực cao hơn. Cùng với việc đảng liên minh Komeito giành được 35 ghế, liên minh cầm quyền của ông Abe nắm đa số ở quốc hội Nhật Bản, đồng nghĩa với việc có thể thông qua các đạo luật mà không cần tới Thượng viện.
Thế nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu cuộc bầu cử chớp nhoáng này là phép thử niềm tin với chính sách của ông Abe, thì có thể thấy nó đã bị sứt mẻ ít nhiều. Chỉ có hơn 52% cử tri đi bầu, con số thấp nhất tại Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Thậm chí ở một khu vực quan trọng như đảo Okinawa, nơi ông Abe dự định xây một khu căn cứ hải quân mới cho quân Mỹ, đảng LDP của ông đã thất bại thảm hại, làm phức tạp thêm dự định tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.
Cái bắt tay lãnh đạm giữa 2 nguyên thủ Trung - Nhật tại APEC tháng 11. Ảnh: Kyodo/Landov |
Mũi tên chưa bắn của Abenomics
Tâm trạng hồ nghi của cử tri với ông Abe xuất phát từ nguyên nhân chính là nền kinh tế chưa phục hồi được như mong đợi. Sau hai năm đầy hi vọng, Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và trì trệ đã kéo dài hơn hai thập kỷ. Đất nước mặt trời mọc thậm chí còn vừa trải qua một cuộc suy thoái danh nghĩa khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm ở quý thứ hai liên tiếp.
Khó khăn đó càng thêm chồng chất khi chính phủ Nhật hiện đang có mức nợ công trên GDP cao nhất thế giới (237%, bỏ xa nước đứng thứ hai là Hy Lạp là 158%), khiến cho dư địa để thực hiện các công cụ tài khóa không nhiều. Gói hỗ trợ trị giá 29 tỷ đô la vừa được nội các mới của ông Abe thông qua cũng chỉ sử dụng các khoản tiền chưa được dùng trong các gói cũ, thay vì sử dụng các khoản chi mới.
Khi quay lại ghế thủ tướng hai năm trước, ông Abe đã đề ra chính sách gồm “ba mũi tên” để đưa Nhật Bản trở lại thịnh cường. Hai mũi tên trong đó, nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa, đã đem lại chút sinh khí cho nền kinh tế u ám của Nhật bằng việc phá giá đồng yên đến 30% so với đô la Mỹ (qua đó thúc đẩy xuất khẩu của Nhật), hồi sinh thị trường chứng khoán Tokyo, và hỗ trợ sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, mục đích chính là đưa đất nước này thoát ra khỏi vòng xoáy giảm phát thì vẫn chưa thực hiện được. Financial Times ước tính các công ty của Nhật hiện đang giữ khoản tiền mặt trị giá đến 60% tổng sản phẩm quốc dân. Cùng với đó, tâm lý chung của tầng lớp bình dân Nhật Bản là Abenomics chỉ có lợi cho doanh nghiệp, trong khi họ phải lãnh hậu quả. Giá cả hàng hóa ở Nhật tăng lên (do đồng yên mất giá), thuế tiêu dùng tăng từ 5% lên 8%, trong khi mức lương danh nghĩa giữ nguyên và mức lương thực tế thì giảm.
Mũi tên thứ ba, vốn được coi là quan trọng nhất, là tái cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản cũng có số phận tương tự. Gặp nhiều rào cản từ chính trị quốc nội lẫn từ chính nội bộ liên minh cầm quyền, ông Abe hầu như chưa động vào các vấn đề gai góc như cải cách nông nghiệp, dịch vụ y tế, hay chính sách lao động. Sự trì hoãn này cũng là lý do khiến cử tri Nhật Bản mất đi niềm tin vào động lực cải cách của ông Abe.
Con rồng TQ cũng khiến thủ tướng Nhật không thể ngủ yên. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với sau những căng thẳng về chủ quyền, và cái bắt tay hờ hững giữa ông Abe và chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy rõ nhất điều đó. Và khi Bắc Kinh đang tiếp tục tiến trình hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ của mình, ông Abe có lẽ đang tiến thoái lưỡng nan bởi phải lựa chọn ưu tiên giữa mục tiêu kinh tế và vấn đề an ninh.
Yêu cầu cải cách không cho phép ông chạy đua vũ trang, trong khi giải pháp thứ hai là tăng cường liên minh quân sự với Mỹ cũng đang bị người dân phản đối. Cùng với việc các đảng hòa bình giành nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử vừa qua, kể cả đảng Komeito liên minh với LDP, rất khó để ông Abe diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp như mong muốn.
Lối đi nào cho Samurai?
Trong hoàn cảnh đó, giải pháp khả dĩ nhất cho ông Abe có lẽ là tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trọng yếu trước. Sau khi ông đưa ra quyết định khôn ngoan là hoãn tăng thuế tiêu dùng sang tháng 4/2017, cùng với việc tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3.5% (đồng nghĩa với việc lương có khả năng sẽ tăng), nhiều khả năng nền kinh tế Nhật sẽ khả quan hơn trong quý I/2015.
Điều này sẽ tạo ra nền tảng cần thiết để ông Abe thực hiện “mũi tên thứ ba”, trước tiên là đẩy nhanh việc ký hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được kỳ vọng là cú hích nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa cho Nhật Bản, qua đó làm tiền đề để quốc gia này vượt qua hai “Thập kỷ mất mát” sau khủng hoảng năm 1990.
Thêm vào đó, ông Abe cũng khó có thể trì hoãn việc cải cách thế chế lâu hơn nữa, đặc biệt là về thuế doanh nghiệp, thủ tục hành chính, và thị trường lao động. Nhật Bản hiện đang có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất thế giới, hơn 35%, và có thủ tục hành chính rườm rà. Lực lượng lao động của Nhật đang bị già hóa nhanh chóng.
Sẽ khó có thể mong đợi ông Abe bắt tay ngay vào các vấn đề gai góc hơn như cải cách nông nghiệp. Tuy vậy, chiến thắng vừa rồi giúp ông Abe nhiều khả năng trở thành vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, qua đó cho ông thêm bốn năm để tiếp tục cuộc “Minh Trị mới” của mình.
Câu hỏi lớn là liệu thủ tướng Nhật có giữ được sự tập trung của mình vào các vấn đề kinh tế hay không. Ông vốn nổi tiếng là người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, và tuyên bố rằng xóa bỏ điều 9 Hiến pháp Hòa bình (cho phép quân đội Nhật tham chiến) là “ao ước từ lâu” của LDP. Chỉ một chuyến viếng thăm đền Yasukuni là có thể đẩy thành quả của Abenomics đổ sông đổ bể.
Sự thống trị của liên minh cầm quyền cho phép ông Abe rộng đường thực hiện cách chính sách của mình mà không gặp nhiều cản trở từ phe đối lập. Dùng quyền lực đó để đưa nước Nhật ra khỏi suy thoái hay thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc tùy thuộc vào quyết tâm của ông. Chính vì vậy, những tháng sắp tới, khi ưu tiên chính sách của ông dần được hé mở, sẽ mang yếu tố quyết định cho vận mệnh của Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc đã chờ quá lâu để trở lại con đường phát triển, và có lẽ đã hết kiên nhẫn để tìm kiếm một ông Abe khác.
Nguyễn Khắc Giang (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR)