Ngày 28/6/2023, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo nhận diện các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống.

Nhận diện sách giả

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành ngày một gia tăng. Điều này tác động xấu đến hoạt động xuất bản và việc tiếp cận tri thức của người dân.

Bà Vũ Thị Hồng Hạnh - Phó Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định, việc nhận diện sách giả - sách thật gặp khó khăn khi một số nội dung trong văn bản pháp luật không phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát cơ sở in, phát hành cũng còn nhiều vướng mắc.

Ông Hoàng Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) thẳng thắn chỉ ra rằng, vấn nạn sách lậu diễn ra nhiều năm bởi nhiều lý do như: lợi nhuận lớn song lại thiếu quy định xử lý vi phạm, chưa đủ sức răn đe; công tác phòng, chống in lậu của các cơ quan quản lý kém hiệu quả; các NXB chưa giám sát chặt chẽ hoạt động in và phát hành sách; sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình không hiểu của các cá nhân, đơn vị liên quan…

 Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Đức Huy

Đại diện Alpha Books và Omega Plus cho biết, trong số hơn 1.000 đầu sách ebook của các đơn vị này có đến vài trăm cuốn bị xâm phạm bản quyền. Không chỉ sách hot, bestseller bị làm lậu mà ngay cả sách thông thường cũng chung số phận. Hoạt động mua bán sách lậu trên thị trường online ngày càng tinh vi.

Theo vị đại diện đến từ Thái Hà Books, thực trạng này diễn ra nhiều năm nay, không có dấu hiệu dừng mà còn tăng mạnh, xuất phát một phần từ việc độc giả chưa phân biệt được sự khác nhau giữa sách giả - sách thật. Thêm vào đó, thói quen mua sách online qua page, sàn thương mại điện tử có giá rẻ… cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ sách lậu.

Độc giả là chìa khoá đẩy lùi vấn nạn sách lậu

Với tư cách là một đơn vị xuất bản trực tiếp đương đầu với nạn in lậu, Alpha Books đề xuất một số giải pháp “tự bảo vệ” bao gồm: Truyền thông rộng rãi về các đầu sách mới mua bản quyền để độc giả nắm được thông tin đơn vị sở hữu và phát hành hợp pháp.

Thường xuyên khảo sát tình hình thị trường, phát hiện sách lậu. Nỗ lực nâng cao chất lượng hình thức sản phẩm (bìa, giấy, mực in, quà tặng kèm…); cân đối chi phí sản xuất để hạ giá thành. Mở rộng kênh phân phối sách thật, phối hợp với cơ quan chức năng hoặc các đơn vị xuất bản khác trong những chiến dịch truy quét sách giả, sách lậu.

Alpha Books kiến nghị cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực in ấn và phân phối xuất bản phẩm trái phép/không phép dựa trên những quy định pháp luật hiện hành; thành lập đường dây nóng xử lý sách lậu công bố trên mọi nền tảng để khi các cá nhân, đơn vị có thông tin về sách lậu có thể liên lạc thẳng với cơ quan có thẩm quyền.

Đại diện Alpha Books nhấn mạnh, ngoài sự hỗ trợ về pháp luật của cơ quan chức năng, nhân tố quyết định sự thành bại trong "trận chiến" cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. 

Các đơn vị xuất bản cần hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật - sách lậu. Ảnh: Alpha Books

Vì vậy, các đơn vị xuất bản cần hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật - sách lậu cơ bản và tuyên truyền nâng cao ý thức cũng như thói quen lựa chọn sách thật, tổ chức chương trình tìm hiểu về ngành xuất bản…

Chỉ khi người đọc ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa, tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì nạn sách giả, sách lậu mới không còn “chốn dung thân”.

Ngoài ra, Thái Hà Books đề xuất xây dựng bộ nhận diện riêng cho từng đơn vị xuất bản; sử dụng chất liệu giấy in và mực đặc thù, tem chống giả công nghệ tiên tiến như tem SMS, tem QR code, tem nước…

Hoạt động mua bán sách lậu trên thị trường online ngày càng phức tạp. 

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Thái Hà Books đề xuất áp dụng các biện pháp như: ngăn chặn tất cả tài khoản IP của các trang bán sách giả; xử lý nghiêm những đơn vị in lậu không có giấy phép xuất bản; kiểm soát các hình thức bán hàng, flash sale, chiến dịch bán sản phẩm với chiết khấu cao…

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận ý kiến đóng góp từ các đơn vị xuất bản. Đồng thời nhấn mạnh, đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi công tác phòng, chống in lậu, là tiền đề cho các hoạt động tiếp theo.

Bán sách lậu còn ngang nhiên chạy quảng cáoTính đến ngày 23/8, dù Tân Việt Books đã gửi đơn trình báo lên cơ quan có thẩm quyền nhưng các trang sách lậu vẫn chào bán ngang nhiên, thậm chí còn chạy quảng cáo sách của Tân Việt.