Samsung hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp Việt

Tại Hội nghị trực tuyến "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập” (Hà Nội, 23/9/2022), ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã nhấn mạnh về việc hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, giúp các công ty nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm thiểu tỉ lệ lỗi, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận. 

 Ông Choi Kyoung Soo - Tổng giám đốc Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn MSF 2022

Sự chung tay của Samsung đã giúp DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cải thiện được năng lực đáng kể trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng. Nếu như năm 2014, chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, thì đến năm 2021, đã có tới 51 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 và 203 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2.

“Trên nền tảng triết lý kinh doanh đồng thịnh vượng, Samsung sẽ tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước có thể cùng phát triển, không ngừng mở rộng thêm các cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.”, ông Choi Kyoung Soo - Tổng giám đốc Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Namđã nhấn mạnh điều này một lần nữa tại Hội thảo chuyên đề về Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, diễn ra hôm 5/10/2022. Đây là một hoạt động hướng tới Diễn đàn Đa phương Samsung (MSF) 2022, do tập đoàn này khởi xướng.

Cũng tại hội thảo chuyên đề nói trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng cấp cao về Hỗ trợ đối tác, Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam cho biết từ năm 2015 đến nay, Samsung đã phối hợp cùng Bộ Công Thương nhiều dự án như Dự án hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam, Dự án hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam, Dự án hợp tác đào tạo nhân lực khuôn mẫu Việt Nam, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam. 

Nhìn lại quá trình Samsung hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất cho 379 DN Việt Nam từ năm 2015, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ: “Khi Cục Công nghiệp, Samsung triển hai chương trình này, Hiệp hội cũng đã giới thiệu những DN tiềm năng để các đơn vị này lựa chọn tham gia. Trong đó không ít DN tham gia Chương trình tư vấn cải tiến đã trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho Samsung. Chúng tôi thấy rằng những hỗ trợ của các tổ chức như Bộ Công Thương, Samsung… góp phần làm cho DN tự tin hơn nhiều để tham gia vào chuỗi cung ứng”. 

Thúc đẩy nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương nhấn mạnh, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng nhận định trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị.

 Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn MSF 2022

“Bên cạnh việc thúc đẩy cơ chế mở hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp “đầu tàu” như Samsung, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tự nỗ lực nâng cao năng lực “nội sinh” của mình thông qua việc tăng cường cải tiến quản lý, chuyển đổi cách thức quản lý vận hành, thúc đẩy sáng kiến nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Từ Minh Hiệu - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.

Các chuyên gia đề xuất việc hình thành một mạng lưới trao đổi, chia sẻ các sáng kiến và kinh nghiệm trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng, trong đó lãnh đạo của các doanh nghiệp cần là người có niềm tin thực sự, có khả năng truyền cảm hứng và lắng nghe người lao động để tạo dựng một môi trường “mầm ươm” ngay tại doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, tiếp thu các kinh nghiệm của các doanh nghiệp đầu chuỗi.

Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn trong hành trình đổi mới sáng tạo, nhưng với vai trò “đòn bẩy” là các dự án hợp tác song phương, đa phương, sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn, và tiềm năng sáng tạo của một quốc gia thuộc top 50 thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2022, chúng ta tin tưởng vào tương lai phía trước. 

L.B