Việc hàng loạt đối tượng đứng đầu Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (“sàn vàng” HGI) bị CATP Hà Nội bắt giữ về hành vi kinh doanh trái phép gây sốc nặng cho không ít nhà đầu tư. Mặc dù sự việc diễn ra từ chiều 12-1, nhưng cho tới hôm nay nhiều người vẫn ùn ùn kéo đến cơ quan công an để làm đơn tố cáo.

Choáng ngợp vì công ty “hoành tráng”

Kiếm sống bằng nghề tạp vụ cho các công trình cao tầng với mức lương chỉ 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của bà Vũ Thị H, trú tại phường Khâm Thiên, Hà Nội vốn chẳng lấy gì làm dư dả. Vì thế khi hay tin “sàn vàng” HGI bị cơ quan công an đánh sập, bà H choáng váng đến xây xẩm mặt mày bởi bà đã ủy thác vào “sàn vàng” này số tiền gần 600 triệu đồng. “Sàn vàng” sập đồng nghĩa với việc số tiền ấy của bà có nguy cơ “một đi không trở lại”.

Thực ra, bắt đầu từ năm ngoái bà H đã lờ mờ nhận ra mình bị lừa bởi rất nhiều lần đích thân bà lên gặp lãnh đạo HGI yêu cầu được trả lại tiền, nhưng đều bị khất lần. “Suốt mấy tháng trời đi đòi, họ khất nợ tôi đến cả chục lần và chẳng thể thanh toán nổi một cắc. Nếu cơ quan công an không triệt phá thì chắc cũng đến lúc tôi phải đi tố cáo họ về hành vi lừa đảo” - bà H nói.

{keywords}

Vẻ hào nhoáng bên trong “sàn vàng” HGI khiến cho nhiều nhà đầu tư bị ngợp trước khi “vào tròng”

Trình độ văn hóa có hạn, lại không am hiểu gì về kinh tế và các giao dịch vàng tài khoản, việc bà H tham gia “sàn vàng” khiến chúng tôi khá ngạc nhiên. Tuy nhiên, theo người phụ nữ này thì hoàn cảnh đưa đẩy bà đến với “sàn vàng” cũng khá lạ lùng và đặc biệt. Giữa năm 2014, một số điện thoại lạ nói giọng nữ bỗng nhiên gọi điện vào máy bà H và tự giới thiệu là nhân viên giao dịch của Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng. Cô nhân viên này ăn nói rất nhẹ nhàng và chỉ xin bà vài phút để giới thiệu về hoạt động kinh doanh của công ty cũng như các hoạt động gửi tiền ủy thác có lãi suất lên đến 1,5%-2%/tháng. Sau vài phút tư vấn, người gọi điện không quên mời bà H đến thăm trụ sở công ty để có thời gian tư vấn cụ thể hơn.

Nghĩ rằng chỉ đến để “tham quan công ty” cũng chẳng mất gì, bà H tìm tới địa chỉ của công ty tại tòa nhà Artex số 172 Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội). Đến nơi, chỉ nhìn vẻ hoành tráng của “sàn vàng” HGI cũng như đội ngũ tư vấn viên đông đảo, ăn vận lịch sự, nói năng chững chạc, chăm sóc ân cần, bà lập tức bị “hạ gục”. Nhất là khi nghĩ tới khoản lãi hàng tháng còn cao hơn cả mức lương của mình, bà H về vét sạch số tiền tiết kiệm 380 triệu đồng mang tới giao cho HGI.

“Những tháng đầu, họ chi trả tôi khá sòng phẳng và khuyến khích nếu gửi càng nhiều lãi sẽ càng lớn. Vì thế tôi đã gửi thêm 200 triệu đồng nữa nâng tổng số tiền lên 580 triệu đồng. Số tiền huy động thêm là tôi lấy của bà chị gái mãi tận Nha Trang. Chị ấy cũng vì tin tưởng mà giao toàn bộ số tiền tiết kiệm ấy cho tôi. Ai ngờ... ”, bà H thở dài.

Chỉ một thời gian sau, khi hay tin một số “sàn vàng” có hoạt động tương tự như Khải Thái, VGX bị bắt giữ, bà H vội đến HGI yêu cầu rút vốn thì bắt đầu bị khất lần. Thậm chí, Chủ tịch HĐQT của HGI là Nguyễn Thị Phương Thảo còn gửi thư ngỏ cho tất cả các nhà đầu tư như bà nói rõ: “... khả năng chi trả của chúng tôi trong thời gian ngắn hạn là bất khả thi”. Suốt từ tháng 9-2014 cho đến khi bộ sậu của “sàn vàng” bị bắt, bà H đã đi lại không biết bao nhiêu lần để đòi tiền mà không được.

{keywords}
Vì thiếu hiểu biết, nhà đầu tư cả tin và dễ mắc lừa khi tham gia kinh doanh vàng tài khoản

Cũng bi đát như bà H, ông Vũ Tiến Ph ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ký hợp đồng ủy quyền cho HGI vay hơn 1 tỷ đồng qua sự giới thiệu của người cháu vốn là nhân viên công ty. Ông Ph bảo: “Lúc ấy tôi tin tưởng phần vì có cháu làm ở đó, phần vì thấy công ty này rất “hoành tráng”. Ngoài ra, trong hợp đồng còn ghi rõ điều khoản: “Khách hàng không phải chịu bất kỳ sự rủi ro nào trong quá trình thực hiện giao dịch của công ty”. Ai ngờ họ kinh doanh bằng cách lấy vốn từ người gửi sau trả lãi cho người gửi trước”. Để có được khoản tiền gửi vào HGI, ông Phúc đã phải gom từ rất nhiều anh em bạn bè. Sự việc vỡ lở, ông đang tính bán nhà để trả nợ.

Vẫn còn người cả tin

Đến thời điểm này, khá nhiều nhà đầu tư vẫn còn hoài nghi về sự đổ bể thực sự của “sàn vàng” HGI. Thậm chí nhiều người không muốn trình báo về hoàn cảnh của mình vì e ngại người thân biết chuyện.

Một nhà đầu tư tâm sự: “Nếu HGI đổ bể thực thì có làm căng cũng chẳng lấy lại được tiền. Làm um lên chỉ khiến bị chủ nợ đến đòi, người thân trong gia đình lo lắng. Tốt nhất là im lặng”. Trong số những nạn nhân mà chúng tôi tiếp cận, vẫn còn một số người tin vào lời rêu rao của các nhân viên HGI rằng: “Nếu không bị công an bắt thì kiểu gì HGI cũng sẽ thanh toán được nợ cho nhà đầu tư”.

Chị Hoàng Thị L trú tại CT8 khu đô thị Đại Thanh dù không hy vọng lấy lại được khoản tiền hơn 1 tỷ đồng của mình nhưng vẫn cho rằng: “Tôi tin “sàn vàng” HGI không vi phạm pháp luật. Chẳng qua họ bị quá nhiều nhà đầu tư đến rút tiền cùng một lúc nên mất khả năng chi trả mà thôi”.

Theo Trung tá Ngô Minh Quang - Đội trưởng Đội 4 phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, vụ việc hiện đã được đơn vị bàn giao cho Phòng CSHS điều tra mở rộng, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người tiếp tục đến làm đơn trình báo. Con số bị hại của “sàn vàng” này vẫn chưa dừng lại...

(Theo ANTĐ)