Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) vừa chính thức trao cho chính phủ Nhật Bản sáng kiến cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Harvard Faculty Club, Boston, Hoa Kì ngày 9/05 vừa qua. 

*Thượng đỉnh G7 sắp tới sẽ bàn những vấn đề gì?

Nội dung chính trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Ise –Shima thảo luận sẽ là Kinh tế và thương mại toàn cầu, Phát triển, Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng. Từ tầm quan trọng của Internet ở những lĩnh vực đó, Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) đưa ra Sáng kiến Bộ quy tắc chuẩn mực an ninh mạng thế giới với tên gọi Ise-Shima Norms.

Thách thức Ise-Shima

Tại hội nghị, GS John Savage , người sáng lập Khoa công nghệ thông tin Đại học Brown, thành viên trụ cột của Ủy ban Sáng kiến Thượng đỉnh G7, đã thay mặt Ủy ban Sáng kiến trình bày báo cáo, ông đưa ra những khuyến nghị cho Hội nghị thượng đỉnh G7.

Thế giới cần một bộ chuẩn và sự cần thiết có một bộ quy tắc ứng xử chung trên Internet.

{keywords}

Ngài Tổng lãnh sự Tsutomu Himeno, thay mặt chính phủ Nhật Bản tại Boston phát biểu trân trọng Sáng kiến the BGF-G7 Summit Initiative và đón nhận Sáng kiến từ Chủ tịch Michael Dukakis.Ảnh: BGF

Các nhóm nhỏ gồm nhiều quốc gia đã xây dựng những quy tắc quốc tế về hành vi của chính phủ trong nhiều năm qua. Các phiên đàm phán được đưa ra tại Liên Hiệp Quốc và ở nhiều diễn đàn khác và đến nay, đã hình thành một bộ quy tắc phù hợp. Việc mở rộng sự tham gia của các quốc gia khác là điều cần thiết.

Chương trình giáo dục công dân toàn cầu đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng nền hòa bình bền vững và an ninh không gian mạng, như chương trình giáo dục công dân toàn cầu của trường đại học UCLA.

Một trong những yếu tố giúp các công ty máy tính thành công đó là tạo được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm của mình. Tuy nhiên niềm tin này đã bị suy giảm khi xuất hiện những lỗ hổng an ninh mạng mà công ty, doanh nghiệp không hay biết, hoặc do chính phủ kích hoạt những vũ khí có khả năng gây ra sự cố trên diện rộng trong không gian mạng. Vì thế mà Microsoft đã bắt đầu xây dựng và ban hành những quy tắc về hành vi của chính phủ. GS John Savage cho rằng các chính phủ nên xem xét một cách nghiêm túc những nỗ lực mới mẻ này đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bộ quy tắc này.

Luận điểm khác mà ông John đưa ra, trong bối cảnh nhiều chính phủ đang phát triển các vũ khí tin học thì nguy cơ xung đột xảy ra cho dù là vô tình hay cố ý sẽ ngày càng cao. Các chính phủ, đặc biệt với những chính phủ có năng lực trên không gian mạng cần nhận thức được nguy cơ này và giảm thiểu nó.

Giải pháp mang tính thực tiễn cao được nêu lên trong bài phát biểu của Rob Joyce hồi tháng 1 năm 2016, lãnh đạo đơn vị tình báo Tailored Access Operations thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA). Vị lãnh đạo đơn vị tình báo này đã đưa ra những cố vấn về phương pháp an ninh mạng giúp bảo vệ thiết bị máy tính tránh được các hình thức xâm nhập bất hợp pháp mà đơn vị của ông đã thực hiện.

{keywords}

Ông Jose Barroso, Cựu chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đọc diễn văn trong Hội nghị.

GS John Savage cũng chia sẻ trong quá trình xây dựng chính sách về không gian mạng có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Nếu các chuyên gia về công nghệ, an ninh mạng không phối hợp cùng các nhà hoạch định trong quá trình xây dựng chính sách thì hiệu quả trong việc xây dựng những quy tắc trong nước và quốc tế sẽ không cao.

GS Derek Revernon làm việc trong lĩnh vực phát triển chiến lược, những thách thức an ninh phi nhà nước, và chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho biết, chúng ta dễ nhận thấy một số thiếu hụt trong lĩnh vực an ninh thế giới trong suốt 30 năm qua. Các Chính phủ không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ an ninh quốc gia của mình mà không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Từ những vấn đề thuộc không gian ở mặt đất, chủ thể của mỗi quốc gia đến các chủ thể xuyên quốc gia đang đặt ra những thách thức đòi hỏi các Chính phủ cung cấp một môi trường an toàn cho công dân của mình.

Bộ Chuẩn Ise- shima

Các GS cho rằng các quốc gia G7 cần khuyến khích áp dụng các quy tắc được quy định bởi nhóm G20, nhóm các chuyên gia Chính phủ của Liên Hiệp Quốc (GGE) và các Chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của Diễn đàn Toàn cầu Boston cho an ninh mạng (ECCC).

Những nội dung chính trong bộ quy tắc của các nhóm kể tên trên cũng dã được nêu cụ thể trong hội nghị để tham khảo. Các quy tắc chính của G20 đó là các quốc gia tham gia không gian mạng phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Không quốc gia nào được tiến hành hoặc hỗ trợ hành vi lấy cắp tài sản trí tuệ trên mạng.

{keywords}

Giáo sư Nazli Choucri, Đại học MIT trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Một số quy tắc chính của GGE chẳng hạn như không quốc gia nào được cố tình làm hỏng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia khác hoặc làm suy yếu cơ sở hạ tầng phục vụ dân chúng. Những thiệt hại mà một quốc gia gây ra cho quốc gia khác sẽ làm giảm đi các quyền mà quốc gia đó được hưởng trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Nhân quyền. Không quốc gia nào được cản trở việc ứng cứu các sự cố mạng của các Nhóm ứng cứu sự cố về an ninh máy tính (CSIRT), các quốc gia cũng không được sử dụng các nhóm này để tạo ra các sự cố mạng.

Đồng thời, các quốc gia phải hợp tác với các quốc gia khác trong việc điều tra tội phạm mạng và giảm thiểu hành vi cố tình gây nguy hiểm an ninh mạng bắt nguồn từ lãnh thổ của mình.

Còn với một số quy tắc chính của ECCC là, các quốc gia không được thiết lập hoặc hỗ trợ các chính sách hoặc hành động có hại cho không gian mạng. Các quốc gia không được tham gia vào hoạt động thu thập trái phép tài sản hoặc thông tin mật về các cá nhân hoặc tổ chức. Các quốc gia không được sử dụng không gian mạng để làm tổn hại tới uy tín của các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Nhiều GS tại hội thảo khuyến nghị những quốc gia G7 cần có sự tham gia của các công ty cung cấp phần cứng và phần mềm trong việc xây dựng các quy tắc mạng, thực hiện theo sáu đề xuất trong bản báo cáo của Microsoft có tên “Các quy tắc an ninh mạng: Giảm thiểu xung đột trong một thế giới lệ thuộc vào Internet”.

Phát triển các phương thức giảm thiểu rủi ro trên mạng, thúc đẩy sự phát triển, nhận dạng, chia sẻ và áp dụng các “giải pháp thực tiễn tốt nhất” trong khu vực an ninh mạng và hỗ trợ việc xây dựng năng lực an ninh mạng cho các quốc gia đang phát triển cũng là những quy tắc chính trong bộ quy tắc Ise-shima mà các GS đề ra trong hội nghị.

Hội nghị với sự tham dự của ông Jose Barroso- Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, Cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nghị sỹ Quốc hội, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng cầm quyền Nhật Bản (LDP)- Tomomi Inada, người kế cận của Thủ tướng Abe và các cố vấn đặc biệt ông Abe. Ngoài ra còn có sự tham gia của các GS uy tín ở các trường Harvard, MIT, Princeton, ĐH Brown như GS Joshep Nye, Stephen Walt, Ezra Vogel…Cựu Thống đốc bang Massachusetts- Michael Dukakis, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston, điều hành Hội nghị.

Các diễn giả chính tham gia hội nghị là các GS John Savage, Đại học Brown,  Derek Revernon chuyên về phát triển chiến lược, những thách thức an ninh phi nhà nước, và chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ; bà Nazli Chourci – GS uy tín chuyên ngành an ninh chính trị tại trường MIT, Tổng lãnh sự Nhật bản tại Boston ông Tsutomu Himeno…Chủ tịch Michael Dukakis đã trao Sáng kiến cho đại diện chính phủ Nhật Bản tại Boston. Thay mặt chính phủ Nhật Bản Ngài Tổng lãnh sự trân trọng sang kiến và khẳng định Sáng kiến là đóng góp quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản 2016.

 Nguyễn Lan Anh