Từ bục vinh quang

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Châu Chính, phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), chị Huệ sống cùng mẹ đẻ. Mẹ chị tuổi cũng đã cao, hàng ngày phải tất bật lo mọi chuyện sinh hoạt trong gia đình, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho Huệ. Còn chị, chỉ quanh quẩn trong trong 4 bức tường, di chuyển nặng nhọc bằng chiếc nạng sắt và xe lăn.

Thấy có khách đến nhà, chị Huệ vui lắm. Dù di chuyển rất khó khăn, nhưng chị Huệ vẫn chống nạng ra chiếc bàn ngoài hè ngồi nói chuyện. Chị Huệ bảo, nhà chẳng mấy khi có khách đến chơi nên nước pha chè cũng không chuẩn bị sẵn.

Sau khi được mẹ đun cho ấm nước, chị Huệ pha chè, rót cốc nước mời khách, tay chị run run. Đó là di chứng của vụ tai nạn trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 22 (năm 2003).

W-a5hhhhhhhhh.jpg
Chị Huệ kể về quá khứ "vàng son" trong sự nghiệp thể thao của mình

Quay ngược về quá khứ, chị Huệ như đang sống lại quãng thời gian “vàng son” trong sự nghiệp thể thao của mình. Chị kể về câu chuyện bén duyên với nghề một cách hăng say mà quên cả nỗi đau về thể xác.

Thủa nhỏ chị đã đam mê võ thuật. Đến năm 1996, biết Sở Thể dục Thể thao Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) mở lớp, tuyển chọn vận động viên (VĐV) cho bộ môn võ Judo, ngay lập tức chị đăng ký, nộp hồ sơ thi tuyển.

Với quyết tâm trở thành VĐV chuyên nghiệp, Huệ đã nỗ lực tập luyện và chính thức được tuyển vào câu lạc bộ Judo của tỉnh. Trong suốt 5 năm khổ luyện, chị đã gặt hái được nhiều thành tích, như đạt 2 HCB và 3 HCĐ tại các giải đấu Judo toàn quốc.

Năm 2001, chị được chuyển sang tập môn vật tự do. Tưởng sang bộ môn mới chị sẽ ngỡ ngàng, nhưng không ngờ Huệ bắt nhịp rất nhanh và trở thành “hạt giống” của môn vật tự do ở xứ Thanh.

“Chỉ trong vài tháng tập luyện ở bộ môn này, tôi được chọn tham gia thi đấu ở các giải vật quốc gia, sau đó đạt 2 HCV tại 2 giải vật tự do toàn quốc vào năm 2002”, chị Huệ nhớ lại.

W-a2hhhhhhhhhhhh.jpg
Chị Huệ ngày chưa bị chấn thương

Đạt thứ hạng cao tại các giải đấu, Huệ được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và trở thành niềm hy vọng vàng của thể thao nước nhà tại kỳ SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam năm 2003.

Tuy nhiên, tai họa ập xuống bất ngờ vào tháng 5/2003 khi chị đang luyện tập cùng đồng đội ở Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao 1. Chị ngã xuống sàn đấu, bị gãy đốt sống cổ.

“Khi tôi ngã xuống sàn tập, toàn thân đau đớn và ngất lịm. Tỉnh lại, tôi đã thấy mình nằm liệt ở bệnh viện và đã được các bác sĩ phẫu thuật đốt sống cổ. Trong quãng thời gian này, tôi gần như suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần. Biết toàn thân bị liệt, có những lúc tôi không muốn sống nữa, vì không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ và người thân”, chị Huệ xúc động nhớ lại.

W-a3hhhhhhhhhhhhh.jpg
Chị Huệ mong ước thoát được khỏi cây nạng sắt này

... đến ước mơ có tiền chữa bệnh

Sau vụ tai nạn, Huệ được giám định tổn hại sức khỏe 81%, mọi sinh hoạt chỉ trông chờ vào người mẹ già và chị gái đỡ đần. Thời gian đầu khi gặp nạn, chị cũng được các tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm khá nhiều, song càng về sau càng thưa dần đi. Việc đưa chị đi chữa bệnh ở nước ngoài cũng chỉ dừng lại ở lời hứa.

W-a4hhhhhhhhhh.jpg
Những tấm huy chương được chị treo rất cẩn thận 

“Sau 5 năm gặp nạn, thể trạng và tinh thần của tôi cơ bản trấn tĩnh, lấy lại thăng bằng. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi nhận được thông tin Sở Thể dục Thể thao Thanh Hóa đã tiến hành cắt hợp đồng lao động đối với tôi. 

Không còn tiền để trang trải chi phí điều trị tại bệnh viện, tôi đành ngậm ngùi về quê, nương tựa người mẹ già yếu”, chị Huệ cho biết.

Bà Lường Thị Hường (80 tuổi, mẹ chị Huệ) cho biết, sau nhiều năm gặp nạn, ngành thể thao Thanh Hóa đã làm được thủ tục trợ cấp cho Huệ ở chế độ tai nạn lao động thông thường. Trải qua nhiều lần tăng, đến nay Huệ được nhận mức trợ cấp hơn 3 triệu đồng mỗi tháng (bao gồm cả tiền chi trả cho người chăm nuôi).

Số tiền trên chưa đủ tiền ăn hàng tháng cho 2 mẹ con. Nhiều lúc trái gió trở trời, nhìn con lên cơn đau mà lòng bà Hường cũng xót, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

W-a1hhhhhhhhhhhh.jpg
Hiện tại chị Huệ đang sống cùng mẹ già 80 tuổi

“Để có thêm đồng trang trải, những năm qua Huệ cùng chị gái mở một quán tạp hóa nhỏ ở đất nhà chị gái. Những lúc đỡ đau, Huệ lại ra phụ bán hàng kiếm thêm đồng thu nhập, cũng như lấy tiền lo thuốc men. Tôi năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe cũng yếu đi, sợ sau này tôi có nằm xuống không biết con sẽ sống ra sao”, bà Hường cho biết.

Chị Huệ chia sẻ, sau 20 năm điều trị, chống chọi với thương tật, chị luôn hy vọng, khao khát được điều trị, để bệnh tình tiến triển hơn và một ngày sẽ rời xa được chiếc nạng sắt, rời xa chiếc xe lăn, có thể tự mình chăm sóc cho bản thân và đỡ đi gánh nặng cho gia đình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 

1. Gửi trực tiếp: Chị Lê Thị Huệ. Địa chỉ: thôn Châu Chính, phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa). SĐT: 0947163125

2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ Ms 2024.016 (VĐV Lê Thị Huệ)

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET

- The currency of bank account: 0011002643148

- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam

- SWIFT code: BFTVVNV X

- Qua TK ngân hàng Vietinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamNet

Số tài khoản: 114000161718

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Swift code: ICBVVNVX126

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc: Địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 19001081