Khả năng hấp thụ vốn đang chững lại
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02 diễn ra chiều 25/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022, ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng các ngân hàng còn có nguyên nhân do thị trường BĐS tiếp tục khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN TP.Hà Nội, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang bị chậm, năng lực của các doanh nghiệp suy giảm nên khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết, tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ tăng 1,25% so với cuối năm 2022 và 8,75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng MB, khẳng định ngân hàng không thiếu vốn và sẵn sàng cho vay với mức lãi suất thấp hơn so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng.
Tại Agribank, bà Phùng Thị Bình, Phó TGĐ cho hay, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết khu vực giảm so với đầu năm, ngoại trừ khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.
Nguyên nhân giảm không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Agribank đã tổ chức hội nghị tín dụng và đưa ra các giải pháp tín dụng để hỗ trợ khách hàng.
Về phía Vietcombank, bà Đinh Thị Thái, Phó TGĐ, cho biết, ngay từ đầu năm, Vietcombank có 2 đợt giảm lãi suất mạnh để hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường.
“Hiện tại, khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế", bà Oanh nói.
Ông Lê Ngọc Lâm, TGĐ Ngân hàng BIDV, cũng thừa nhận sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế đang giảm thông qua nhu cầu vay vốn tại nhà băng này giảm so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính được cho là đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm. Bên cạnh đó, giao dịch của khách hàng cá nhân (vay kinh doanh và tiêu dùng) giảm sút, nhu cầu vay vốn mua nhà giảm.
“Về phía ngân hàng, chúng tôi luôn đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân. BIDV luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất huy động đã giảm 0,5 - 2% so với đầu năm 2023”, ông Lê Ngọc Lâm nói.
Kỳ vọng lớn từ Thông tư 02
Để gỡ khó cho thị trường tín dụng, NHNN một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý.
Một trong những giải pháp quyết liệt, kịp thời là Thông tư 02/2023TT-NHNN (Thông tư 02) do NHNN ban hành ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Thông tư 02 có một số điều chỉnh nhỏ nhưng rất ấn tượng: “NHNN giao quyền cho các TCTD cơ cấu lại nợ; nhóm đối tượng tương đối toàn diện, bao gồm doanh nghiệp hoạt động SXKD, khó khăn trả nợ vay tiêu dùng....”.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội – cho rằng việc ban hành Thông tư 02 thể hiện trách nhiệm rất lớn của ngành ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng rất có trách nhiệm trong triển khai chính sách của NHNN.
“Ngân hàng không thiếu vốn, room tín dụng không vướng, việc tiếp cận vốn từ TCTD là không khó”, ông Hùng nói. “Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì nhiều doanh nghiệp cũng không vay. Vậy nên, việc ban hành Thông tư 02 là cần thiết”.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), báo tin vui 4 Ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, với sự cam kết của các ngân hàng thương mại, NHNN sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.