Dự thảo được thông qua trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang rà soát tổng thể công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với các công trình, cơ sở kinh doanh, nhà trọ, chung cư mini… sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) làm 56 người tử vong.

Trong đề án, TP Hà Nội cũng nêu rõ thực trạng cháy, nổ trên địa bàn thành phố từ 2013 đến 2023 diễn biến phức tạp, khó lường. Trong 10 năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 4.450 vụ cháy, nổ. Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập chung nhiều là loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất, địa điểm dịch vụ tập trung đông người.

dji 0384.jpg
Nhiều lo ngại về việc đảm bảo PCCC cho các chung cư mini trên địa bàn TP Hà Nội.

Dù tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, khó lường là vậy nhưng nhiều phương tiện PCCC đã sử dụng trên 15 năm thường xuyên xảy ra hư hỏng; việc sửa chữa, phục hồi tình trạng kỹ thuật cho số xe này khó khăn. Trang phục bảo hộ như quần áo, mũ, ủng, găng tay, bình khí, mặt nạ lọc độc... cho cán bộ, chiến sỹ tham gia, thực hiện chữa cháy, CNCH đối với các loại hình này còn thiếu nhiều.

Do vậy, đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô. Trong đó có việc đầu tư trang thiết bị PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC và nâng cao ý thức PCCC cho người dân. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng kỹ thuật PCCC trên địa bàn các quận, huyện.

TP Hà Nội khái toán kinh phí để thực hiện đề án từ nay đế năm 2045 khoảng 9.600 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí để thực hiện trong giai đoạn 1 của đề án từ nay đến 2025 là 1.560 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ 2026-2030 là 1.970 tỷ đồng; giai đoạn 3 của đề án từ 2031-3045 là 5.000 tỷ đồng.

Nêu ý kiến hoàn thiện đề án, đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) nhận xét về tổng thể cho thấy TP Hà Nội đã quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy và có chính sách tốt. Tuy nhiên, theo đại biểu huyện Thường Tín, để giải quyết những vấn đề liên quan đến PCCC và CNCH trên địa bàn thì khâu thủ tục không quan trọng bằng khâu hậu kiểm.

“Cấp phép các cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng phải hậu kiểm về thiết bị phòng cháy, chữa cháy, quá trình sử dụng, vận hành”, đại biểu huyện Thường Tín chia sẻ.

Vì vậy, theo ông Vũ Mạnh Hải, cơ quan chức năng cần quan tâm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với thời gian nhanh nhất, tốt nhất; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát đặc biệt tại các địa phương quản lý các công trình để kiểm đếm và tăng cường quản lý lĩnh vực này.

Còn đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Bí thư Huyện ủy Thường Tín) lưu ý việc triển khai đề án trên phải kết hợp với chỉnh trang đô thị theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Trong đó, đặc biệt khuyến khích việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; khuyến khích các hộ dân có thể hợp khối với sự tham gia của nhà đầu tư trong thiết kế cầu thang an toàn phòng chống cháy nổ. Đối với mỗi khu vực cũng nên thiết kế hạ tầng đảm bảo xe chữa cháy có thể tiếp cận.