Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (27/7), bão Doksuri đã vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Lu-Dông (Philippines), đi vào khu vực Đông Bắc của Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 2 trong năm 2023.
Hồi 7h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Trong những giờ tiếp theo, bão tiếp tục giữ hướng đi Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h, sau đó suy yếu dần khi tiếp cận vùng bờ biển giữa Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc).
Theo ông Lâm, do ảnh hưởng của bão Doksuri, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, sau mạnh lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội; sóng biển cao 6-8m, vùng gần tâm bão 8-10m.
Trước đó, các chuyên gia khí tượng nhận định, bão Doksuri ít khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta, nhưng khu vực đông bắc của Bắc Biển Đông sẽ có mưa bão và gió giật mạnh, rất nguy hiểm cho tàu thuyền.
Đồng thời, bão tạo ra trường gió phân kỳ khiến nắng nóng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trở nên gay gắt hơn. Khoảng 5-6 ngày nay, nắng nóng bao trùm miền Bắc, từ 7h sáng đến 17h trời nắng chói chang, gió thổi hơi nóng hầm hập, mức nhiệt cao nhất trong ngày dao động 35-38 độ. Ban đêm, trời vẫn oi bức do nhiệt độ xấp xỉ 30 độ, độ ẩm không khí xuống thấp 50-55%.
TS. Hoàng Phúc Lâm cho biết, thủ đô Hà Nội và các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ là nơi nóng nhất trong đợt này. Nền nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc hôm nay vẫn trong khoảng 35-37 độ, riêng thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ ở mức 37-38 độ.
Chuyên gia khí tượng phân tích thêm, nắng nóng diện rộng ngoài ảnh hưởng của vùng thấp phía tây còn do tác động của siêu bão Doksuri.
Tuy bão cách xa đất liền, nhưng với cường độ siêu bão, Doksuri tạo ra trường gió phân kỳ tây bắc đến tây ở phần phía tây của hoàn lưu cơn bão. Điều này khiến Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh không khí không thay đổi. Trời quang mây, nóng hầm hập, ban đêm oi bức.
Tình trạng này tiếp tục duy trì cho đến hết hôm nay, khi miền Bắc có mưa lớn diện rộng. Từ ngày mai (28/7), khi bão di chuyển vào đất liền Trung Quốc, gió phân kỳ yếu đi, nắng nóng ở các khu vực trên sẽ giảm dần, đồng thời xuất hiện những cơn mưa.
Cơ quan khí tượng cũng dự báo, từ đêm nay, ở Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa rào và giông trên diện rộng.
Ngoài ra, bão tương tác khiến gió Tây Nam trên khu vực biển phía Nam từ Bình Thuận - Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa của Việt Nam cũng mạnh lên cấp 6, giật cấp 8, biển động, kèm mưa giông mạnh.
Trên đất liền, gió mùa Tây Nam mạnh cũng khiến khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ liên tục mưa nhiều, có nơi mưa rất to trong những ngày tới. Ngày và đêm nay, khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 50mm; Tây Nguyên và Nam Bộ lượng 20-50mm, có nơi trên 80mm, tập trung vào chiều và đêm.