Hôm nay (14/3), phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị cáo trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB) tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo cáo buộc, do cần tiền, bị cáo Thành đã vay tiền của người khác dưới hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu. Sau đó, bà Thành và đồng phạm cầm cố các sổ tiết kiệm này để vay tiền và chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVComBank 49,4 tỷ đồng, VAB 273,9 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: NDT

Quá trình làm thủ tục vay tiền, bà Thành và đồng phạm đã giả chữ ký, chữ viết của những người có tiền. Trong khi đó, các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua quy trình, quy định của ngân hàng, tiếp tay cho hành vi lừa dối, chiếm đoạt của bị cáo Thành.

Bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, tại tòa, bà Thành không trả lời câu hỏi về việc số tiền chiếm đoạt được hiện đang ở đâu. “Tiền đó bây giờ như thế nào bị cáo không biết'', lời bà Nguyễn Thị Hà Thành.

Người liên quan chỉ ra điểm bất thường

Trong số những người bị bà Thành giả chữ ký, rút tiền trong sổ tiết kiệm đồng sở hữu có ông Đặng Nghĩa Toàn. Cáo trạng xác định, tổng số tiền bị cáo Thành vay của ông Toàn, sau đó chỉ định ông này gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng PVCombank, NCB và VAB là 122 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn của luật sư Phan Thị Lam Hồng, người bảo vệ quyền và lợi ích cho vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Thành khai, bị cáo vay tiền của ông Toàn, không đưa tiền trực tiếp, không có hợp đồng vay tiền. “Bị cáo nghĩ ông Toàn biết việc bị cáo dùng sổ tiết kiệm của ông để làm tài sản đảm bảo nhằm vay vốn ngân hàng”, lời khai của bà Thành. 

Trước đó, tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 5/2022, bị cáo Thành từng khai rằng, ông Toàn không biết việc bị cáo thế chấp sổ tiết kiệm; ông Toàn chỉ nghĩ bị cáo cầm sổ để chứng minh tài chính chứ không nghĩ bị cáo sẽ rút tiền, bởi nếu biết thì ông Toàn sẽ lấy lại sổ chứ không để bị cáo cầm cố sổ tiết kiệm.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc giả chữ ký của ông Toàn, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cho rằng, do bị cáo vay tiền ông Toàn mà không có tài sản bảo đảm nên đã phải nghĩ ra cách gửi tiền vào ngân hàng.

Trình bày tại tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn cho hay, mình gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng đúng quy trình, thực hiện giao dịch trực tiếp với ngân hàng theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên ngân hàng. 

Toàn bộ số tiền vợ chồng ông gửi vào ngân hàng đều có giấy tờ nộp tiền đầy đủ chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền và được đóng dấu pháp nhân của ngân hàng nên phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Ông Toàn cũng chỉ ra những điểm bất thường khi có chuyện sáng khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, chiều lại dùng chính sổ tiết kiệm đó để thế chấp vay tiền ngân hàng với lãi cao. Chuyện này diễn ra lặp đi lặp lại nhiều lần, trong nhiều năm khiến ông Toàn đặt câu hỏi: Phải chăng Hội sở làm ngơ.

Còn theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại tòa ngày hôm qua, để được giải ngân tiền vay, bị cáo phải chi cho cán bộ ngân hàng 1-2% số tiền được giải ngân.

Luật sư Hồng đặt câu hỏi dành cho đại diện Ngân hàng Việt Á: Sự việc bị cáo Hà Thành cấu kết với cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tài sản của ngân hàng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của những người liên quan, trong đó có ông Toàn. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, vậy Hội sở có biết điều này không, khi phát hiện có tố cáo với CQĐT không?

Vị đại diện Ngân hàng Việt Á cho hay, ngân hàng có quy trình, cứ khi nào phát hiện bất thường, có dấu hiệu vi phạm, ngân hàng sẽ gửi đơn tố cáo đến CQĐT.