Yên Bái là một trong những tỉnh có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp ở nước ta. Hiện, diện tích đất có rừng là 433.967 ha (rừng tự nhiên gần 214.797 ha; rừng trồng gần 219.171ha); diện tích chưa thành rừng là 42.405ha. Rừng đặc dụng của tỉnh đang có 32.725 ha, rừng phòng hộ 141.321 ha, rừng sản xuất 313.635 ha.
Nhờ duy trì hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, nằm trong tốp cao của cả nước.
Thế nhưng, để minh bạch hóa thông tin nơi trồng rừng cũng như sản lượng gỗ, góp phần đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và dự báo thị trường,… tỉnh Yên Bái đã số hoá dữ liệu ngành lâm nghiệp bằng cách kích hoạt và vận hành đăng ký mã số vùng trồng rừng trên nền tảng số iTwood.
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã lựa chọn được một số xã trên địa bàn 2 huyện Yên Bình và Lục Yên gồm: Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Hương để thực hiện thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.
Các chủ rừng là hộ gia đình của 4 xã này đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood với tổng số 495 hộ gia đình tham gia. Đến nay có 465 tài khoản được kích hoạt và vận hành đăng ký mã số vùng trồng rừng.
Đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái trao Giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đầu tiên cho đại diện chủ rừng là hộ gia đình tại tỉnh Yên Bái.
Hiện, sản lượng khai thác gỗ hàng năm của tỉnh Yên Bái lên tới 700.000 m3. Lượng gỗ này để đáp ứng công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Do đó, việc thúc đẩy cấp, quản lý cấp mã số vùng trồng rừng qua nền tảng số iTwood sẽ giúp tỉnh Yên Bái phát huy được tối đa lợi thế, gia tăng giá trị kinh tế lâm nghiệp. Cùng với đó, giúp các cấp quản lý tốt hơn lĩnh vực lâm nghiệp, hỗ trợ một cách tốt nhất cho các chủ rừng.
Trong khi đó, dựa vào dữ liệu mã số vùng trồng, doanh nghiệp có thể nắm bắt được sản lượng gỗ, từ đó đưa ra các kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Hà Giang