Xưa, trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân ở nước ta thường phải “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Bởi, thời tiết quyết định đến năng suất cây trồng, chất lượng nông sản vật nuôi của bà con.
Còn giờ đây, người nông dân có thể trông vào dữ liệu bản tin thời tiết nông vụ để đưa ra quyết định canh tác phù hợp cho từng vùng, từng mùa vụ cụ thể.
Trước đó, năm 2020, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với CIAT cùng các đơn vị có liên quan để triển khai thí điểm xây dựng bản tin thời tiết nông vụ tại 7 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Trà Vinh.
Năm 2023, Bộ NN-PTNT quyết định giao Cục Trồng trọt thực hiện nhiệm vụ xây dựng bản tin thời tiết nông vụ tại các tỉnh thành ĐBSCL, nhằm phục vụ quản lý nhà nước về sản xuất trồng trọt và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, từ 7 tỉnh thành thí điểm ban đầu, bản tin thời tiết nông vụ đã được nhân rộng thực hiện tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Bản tin này được sản xuất dựa trên các dự báo thời tiết thời hạn mùa, hàng tháng hoặc 10 ngày thông qua sự tương tác của các bên liên quan trong chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu.
Nhấn mạnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng dịch vụ khí hậu là một đổi mới quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang gặp phải những khó khăn do thay đổi thời tiết, khí hậu.
Thông qua dữ liệu dự báo về thời tiết cùng các khuyến cáo về thời hạn mùa, cảnh báo sớm thiên tai, sâu bệnh dịch hại… đã giúp người nông dân đưa ra quyết định canh tác phù hợp. Từ đó, bà con giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất cây trồng và cải thiện thu nhập.
Theo đó, tính đến hết tháng 10/2024, bản tin thời tiết nông vụ đã tiếp cận hơn 291.000 nông dân tại 71 huyện thuộc 13 tỉnh thành ở ĐBSCL. Các bản tin được phát đi thông qua nhiều kênh truyền thông số, loa truyền thanh, áp phích và ứng dụng Zalo, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, trên 90% nông dân tham khảo thông tin từ bản tin thời tiết nông vụ. Ngoài ra, từ dữ liệu bản tin mà mình tiếp cận được, có đến 72% nông dân đã thực hiện điều chỉnh chăm sóc cây trồng cho phù hợp với tình hình thời tiết và các cảnh báo của cơ quan chức năng.
Chưa kể, dựa vào dữ liệu bản tin thời tiết nông vụ, người nông dân đưa ra quyết định canh tác phù hợp. Trong đó, có 73-82% nông dân đã giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; 63-86% nông dân giảm sử dụng phân bón và 44-85% nông dân tiết kiệm được chi phí, trong khi năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.
Cụ thể, nhờ áp dụng bản tin thời tiết nông vụ trong sản xuất lúa, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm trung bình 1,36 triệu đồng/ha, đồng thời giảm chi phí thuốc diệt cỏ và phân bón.
Năng suất lúa bình quân tăng 2,66 tạ/ha và doanh thu bình quân tăng 1,83 triệu đồng/ha. Lợi nhuận của nhóm hộ nông dân áp dụng dữ liệu bản tin là 22 triệu đồng/ha, cao hơn gần 3 triệu đồng/ha so với nhóm không áp dụng.
Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng dịch vụ khí hậu số tại Việt Nam vẫn gặp một số thách thức về nguồn nhân lực; đang đối mặt với những trở ngại như thiếu dữ liệu nông học về chất lượng đất, thiệt hại thiên tai và dự báo thị trường…
Do đó, thông qua việc giới thiệu bản tin thời tiết nông vụ và trao đổi kinh nghiệm với các nhà cung cấp dịch vụ khác, CIAT mong muốn tạo ra các cơ hội hợp tác, góp phần nâng cao tính hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
“Chúng tôi định hướng đẩy mạnh tương tác hai chiều với người dân trên các nền tảng số, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, hướng tới mục tiêu phổ biến các khuyến nghị nông nghiệp giúp giảm phát thải, nâng cao dinh dưỡng và bảo tồn nông nghiệp đến người nông dân đã và đang hưởng lợi từ dự án”, lãnh đạo của CIAT chia sẻ.
Cùng với đó, CIAT tin rằng, với sự hỗ trợ và hợp tác từ các bên liên quan, bản tin thời tiết nông vụ sẽ mang lại lợi ích thiết thực, và góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp ĐBSCL.
Hà Giang