Chiều 14/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về quản lý, đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên địa bàn thành phố (TP) có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên. Trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh.

Qua giám sát HĐND TP Hà Nội nhận thấy một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Một số dự án công trình hạ tầng xã hội như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thu hồi các dự án chậm triển khai

Phát biểu tại đây, đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) phản ánh tình trạng nhiều trường học chưa được đầu tư xây dựng trong các khu đô thị, không đảm bảo yêu cầu của người dân, đặc biệt trong đó là khu đô thị Linh Đàm ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

“Sự việc phải bốc thăm cho các cháu vào trường mẫu giáo Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) gây bức xúc cho cử tri. Xin chủ tịch quận Hoàng Mai cho biết, trách nhiệm của quận đến đâu. Quận đã tham mưu, có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án”, đại biểu Hưng nêu câu hỏi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bách Hợp.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Để khắc phục tình trạng này, quận Hoàng Mai đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, đồng thời đề nghị UBND TP kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, bất cập lớn nhất trên địa bàn quận là các khu đô thị thuộc phường Hoàng Liệt, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Tổng Công ty HUD) làm chủ đầu tư. Cụ thể, Tổng Công ty HUD và nhà đầu tư thứ phát, đầu tư hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ trong các khu đô thị ở phường Hoàng Liệt, điển hình trong đó là tình trạng thiếu trường lớp.

Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận Hoàng Mai đã đề nghị Tổng Công ty HUD bàn giao lại cho TP 7 ô đất quy hoạch xây trường học, 7 ô đất bãi đỗ xe thuộc phường Hoàng Liệt. “Nếu được bàn giao các ô đất này, quận Hoàng Mai sẽ đầu tư ngay các công trình để đáp ứng nhu cầu của nhân dân”, ông Nguyễn Minh Tâm nói.

Cùng vấn đề trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, qua rà soát cho thấy nhiều khu đô thị trên địa bàn TP chưa hoàn thiện hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế nhưng đã cho người dân vào ở. Cụ thể trên địa bàn TP có khoảng 60% khu đô thị rộng từ 2ha trở lên chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Võ Nguyên Phong cho biết, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP rà soát toàn bộ các dự án, qua đó yêu cầu các chủ đầu tư cam kết cụ thể thời gian giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Không thể 'đè' doanh nghiệp ra lấy lại đất

Giải trình thêm các vấn đề được đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khái quát phiên chất vấn hôm nay đã phản ánh bức tranh đầy đủ, khách quan việc phát triển đô thị trên địa bàn qua nhiều thập kỷ. Trong đó có rất nhiều tồn tại không dễ xử lý. Ngay cả những khu đất thuộc các dự án chậm triển khai cũng không thể ‘đè’ doanh nghiệp ra lấy lại. Thành phố phải có cơ chế, chính sách trả lại tiền doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tại đây, ông Trần Sỹ Thanh cũng dành nhiều thời gian nói về vấn đề thiếu trường, thiếu lớp dẫn đến phụ huynh phải bốc thăm giành suất cho con vào trường mẫu giáo Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Theo ông, nguyên nhân dẫn đến bốc thăm là do Hoàng Mai thiếu trường công, chứ không phải thiếu trường học.

Phiên giải trình về vấn đề quản lý, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Bách Hợp.

“Vì tin tưởng, học phí ổn định nên phụ huynh muốn con em mình vào trường công. Nhu cầu vào trường công đông quá nên phải bốc thăm cho công bằng. Cũng là do công tác truyền thông không tốt, báo chí đưa, nên trở thành vấn đề quá nóng”, ông Trần Sỹ Thanh nói và tiếp tục khẳng định phường Hoàng Liệt không đến mức thiếu trường, mà chỉ là thiếu trường công.

Nói về các ô đất ở phường Hoàng Liệt bị bỏ hoang nhiều năm qua, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, đến nay Tổng Công ty HUD đã tự nguyện bàn giao cho Hà Nội 7 ô đất xây bãi xe. Với 7 ô đất xây trường học, đến nay, HUD đã đầu tư xây dựng 1 trường. HUD bàn giao cho Hà Nội 4 ô đất với điều kiện là đầu xây dựng trường công. Với 2 ô đất còn lại, HUD mong muốn được xây dựng trường học.

Về hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đầy đủ tại các dự án trong nhiều năm qua, ông Trần Sỹ Thanh thừa nhận trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội. “Trong đó có các sở ngành là cơ quan tham mưu nhưng buông lỏng quản lý. Có buông lỏng mới thế! Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước lãnh đạo TP”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ có kế hoạch cụ thể khắc phục những tồn tại về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị. Theo đó, TP sẽ định hướng giải quyết một cách hài hoà lợi ích cho cộng đồng, doanh nghiệp.