Mảnh đất giàu tiềm năng đầu tư

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, nằm ở cuối sông Hậu với vị trí địa lý thuận lợi, gần TP. Cần Thơ - trung tâm kinh tế của vùng (cách 60 km đường bộ theo Quốc lộ 1). Sóc Trăng có nguồn lao động dồi dào, trong đó lực lượng lao động là 641.910 người (qua đào tạo là 60,38%, qua đào tạo nghề 55%). Diện tích tự nhiên là 3.311,87 km2, xấp xỉ 1% diện tích của cả nước và 8,3% diện tích của khu vực ĐBSCL.

Với diện tích đất nông nghiệp hơn 280.284ha (trong đó đất trồng lúa chiếm 149.162ha, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 56.747ha và đất trồng cây lâu năm chiếm 44.283 ha), Sóc Trăng là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, nổi bật ở: gạo, thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến.

{keywords}
 

Ngoài ra, với bờ biển dài hơn 72km, tốc độ gió trung bình 6-6,4m/s và số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.500 giờ, bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8-5 kWh/m2/ngày, Sóc Trăng không chỉ có lợi thế về nông nghiệp mà còn giàu điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…) và kinh tế biển (cảng biển, dịch vụ vận tải biển, du lịch…).

{keywords}
 

Từ những lợi thế sẵn có, tỉnh đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển khu cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo.

Hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh

{keywords}
 

Đến nay, mạng lưới giao thông đã bao phủ toàn tỉnh Sóc Trăng với: các tuyến đường bộ dài khoảng 7.356 km gồm 5 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 261km, 17 tuyến đường tỉnh dài 425km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài trên 6.670km; 2.980km tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến… thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng như giao thương kinh tế.

Hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, tỉnh Sóc Trăng đã và đang chuẩn bị xây dựng các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng như: dự án cầu Mạc Đĩnh Chi có tổng mức đầu tư là 277,8 tỷ đồng; dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây (giai đoạn 1), có tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng; dự án cầu Nguyễn Văn Linh (cầu chữ Y) có tổng mức đầu tư 92,2 tỷ đồng; dự án cầu Vành Đai 2 có tổng mức đầu tư 201,6 tỷ đồng…

Gia tăng liên kết vùng

Tháng 4/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó nhấn mạnh đến việc bổ sung quy hoạch cảng Trần Đề với mức vốn khoảng 40.000 tỷ đồng (trong giai đoạn 2021 - 2025), có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp có tải trọng 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn.

Các chuyên gia đánh giá, khi hoàn thành, Trần Đề sẽ là một cảng quốc tế mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa của Sóc Trăng cũng như toàn khu vực ĐBSCL. Đây là cần thiết để nâng tầm ĐBSCL xứng với vị thế vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

{keywords}
Cảng biển Trần Đề là một trong những lực đẩy để Sóc Trăng phát triển kinh tế biển

Bên cạnh quy hoạch cảng biển Trần Đề, việc hình thành các tuyến cao tốc trục ngang, trục dọc sẽ giúp Sóc Trăng phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thu hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực như: công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch…

Nổi bật trong đó là dự án xây dựng cầu Đại Ngãi với chiều dài 15,2km; có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu (huyện Long Phú, Sóc Trăng). Dự án cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng bao gồm 2 cầu chính (Đại Ngãi 1, Đại Ngãi 2), 5 cầu trung và nhỏ, cùng hệ thống đường dẫn vào cầu. Theo quy hoạch, cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2 đều có 4 làn xe, mặt cầu rộng 16m.

{keywords}
Phối cảnh dự án cầu Đại Ngãi

Một dự án trọng điểm khác là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vốn hơn 68.980 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 197,22km. Điểm đầu cao tốc sẽ từ cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đi qua Cần Thơ, Hậu Giang. Điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối với cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng). Dự án cao tốc này sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thương, liên kết với các cảng dọc tuyến sông Hậu, cảng Trần Đề và các trung tâm đô thị như: Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng…

Phát triển kinh biển, dự án vành đai ven biển miền Tây kết nối TP.HCM với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ là một “lực đẩy” quan trọng trong liên kết vùng. Đường vành đai ven biển có tổng chiều dài hơn 740km, vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc xây dựng tuyến giao thông này sẽ giúp các địa phương khai thác được thế mạnh ven biển, hình thành các trung tâm kinh tế và đô thị vệ tinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL.

T.H