Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,65%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 60,3%.  

Hiện nay, Trung tâm vẫn đang triển khai linh hoạt nhiều giải pháp để bao phủ tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng sạch. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 80%.

Tháng 7/2023, công trình mở rộng đường ống cấp nước tập trung tại xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, được khẩn trương hoàn thiện. Xã Châu Hưng đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng nhu cầu sử dụng nước sạch tại một số ấp vẫn còn cao, hiệu suất cấp nước hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Do vậy, việc lắp đặt thêm tuyến ống mở mạng có chiều dài 13.695m sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu cho gần 300 hộ dân tại đây. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công là ảnh hưởng đến mặt bằng của nhiều gia đình. Ý thức được nước sạch ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người nên các hộ dân đều hỗ trợ giúp công trình đảm bảo tiến độ.

bru van kieu quang tri 1.jpg
Nước sạch ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. 

Để bao phủ tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước miễn phí và miễn thu tiền sử dụng nước sinh hoạt 3m3 mỗi tháng cho hộ nghèo vùng nông thôn.

Đến tháng 8/2023, có 7.782 đồng hồ đã được lắp đặt với tổng sản lượng nước đã miễn thu tính riêng trong năm 2022 là 299.129 m3.

Bên cạnh đó, đơn vị còn tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đồng loạt triển khai kế hoạch xúc rửa, vệ sinh toàn bộ tuyến ống dẫn nước trên địa bàn các xã, thị trấn. 

Sóc Trăng hiện có 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành. Các công trình có công suất thiết kế từ 168 đến 2.874 m3/ngày đêm, với tổng chiều dài tuyến ống cấp nước đang quản lý là 3.442 km, phục vụ cấp nước cho 136.977 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã.

Theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có từ 15% - 20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; riêng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có từ 55% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch.

Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh Sóc Trăng có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã. Dự kiến, đến cuối năm 2023, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 20% tổng số xã, dự kiến đến cuối năm nay có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Sóc Trăng tăng hàng năm (đến cuối năm 2022 đạt hơn 45,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010). Sóc Trăng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496m với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2% mỗi năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3% mỗi năm. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 15.139 hộ, chiếm 4,54% tổng số hộ.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của Sóc Trăng đạt trên 8.300 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động trong cộng đồng...

Anh Thư