Theo BBC, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay dành rất nhiều thời gian trong ngày cho mạng xã hội. Ở độ tuổi 11 đến 15, con số này vào khoảng 6 đến 8 giờ đồng hồ mỗi ngày. Đối với người lớn, điều này cũng không phải ngoại lệ, bởi nhiều người thường có thói quen dạo quanh mạng xã hội trước khi chìm vào giấc ngủ.
Nguyên nhân xuất phát một phần bởi thế hệ trẻ ngày càng được tiếp xúc sớm với Internet. Ở Anh, một phần ba trẻ em được sử dụng máy tính bảng trước bốn tuổi. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát vào tháng 12/2017 cho hay 70% thanh thiếu niên Mỹ tuổi từ 13 đến 18 có tài khoản Snapchat, trong khi hầu hết người được hỏi cho biết bản thân có tài khoản Instagram.
Một người Mỹ trung bình thường dành 2-3 giờ một ngày cho việc online. Ngoài ra, hơn ba tỷ người trên thế giới sử dụng mạng xã hội, và nhiều người trong số đó lại tham gia nhiều nền tảng khác nhau.
Xu hướng này gây nên một thực trạng đáng lo ngại. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sức khoẻ của con người, đặc biệt là giấc ngủ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Truyền thông, Công nghệ và Y tế thuộc Đại học Pittsburgh Brian Primack cùng cộng sự Jessica Levenson bắt đầu điều tra về mối quan hệ giữa công nghệ và sức khoẻ tinh thần con người, kể từ khi sự phát triển của mạng xã hội gây nên những tác động tiêu cực bắt đầu được dư luận chú ý đến.
Khi xem xét mối liên hệ giữa mạng xã hội và bệnh trầm cảm, nhóm nghiên cứu đã hy vọng sẽ xảy ra hiệu quả kép: đôi khi mạng xã hội làm giảm khả năng mắc trầm cảm cho người dùng và ngược lại. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần 2.000 người cho thấy một sự thật là: sự phát triển của mạng xã hội tỷ lệ thuận với gia tăng cảm giác lo lắng, và bị cô lập khỏi xã hội.
"Bạn thường nghĩ rằng, một người nào đó có nhiều bạn bè trên internet, với nhiều cuộc hội thoại và icon biểu cảm là một người quảng giao, song nghiên cứu lại cho thấy đây lại là đối tượng luôn chịu cảm giác bị cô lập khỏi xã hội", Primack nói.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể đưa ra kết luận: trầm cảm làm tăng việc sử dụng mạng xã hội hay chính mạng xã hội làm gia tăng trầm cảm. Với Primack, ông cho rằng đây là mối quan hệ cộng sinh và "tạo nên một chu trình luẩn quẩn".
Trong một nghiên cứu với hơn 1.700 thanh thiếu niên hồi tháng 9/2017, Primack và các cộng sự đã phát hiện ra rằng, 30 phút dành cho mạng xã hội ngay trước khi ngủ sẽ tạo nên ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ.
Điều này có thể nằm ở nguyên nhân ánh sáng màu xanh phát ra từ màn hình gây ức chế sản sinh melatonin - hormone có lợi cho giấc ngủ. Ngoài ra, lí do có thể nằm ở việc mạng xã hội làm tăng cảm giác lo lắng, hoặc cụ thể hơn, giảm thời gian ngủ của người dùng.
Chúng ta đều biết rằng hoạt động thể chất giúp con người ngủ ngon hơn. Vì thế, dành quá nhiều thời gian trước màn hình cũng làm giảm thời gian dành cho hoạt động thể chất: "Nó khiến người ta lười vận động. Nếu bạn có một chiếc smartphone trong tay, bạn gần như nói không với việc vận động cơ thể. Giảng viên giáo dục sức khoẻ trẻ em Aric Sigman cho biết.
Ngoài ra, việc so sánh với những thứ tốt đẹp được bạn bè đăng tải trên mạng xã hội cũng gây nên cảm giác lo lắng, tự ti, đồng thời khiến người ta trở nên thao thức, khó ngủ, cuối cùng dẫn đến mắc phải những bệnh lý cụ thể: làm tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường, béo phì, suy giảm trí lực, suy giảm phản xạ, gia tăng các hành vi nguy hiểm, tăng cường sử dụng chất gây nghiện...
Trẻ vị thành niên là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi đây là độ tuổi có nhiều thay đổi quan trọng về mặt sinh học và xã hội.
Jessica từ Đại học Pittsburgh lo ngại rằng các nghiên cứu ngày nay đang dần trở nên lạc hậu so với tốc độ phát triển của mạng xã hội: "Chúng ta chỉ mới bắt đầu tìm hiểu các tác động của việc sử dụng mạng xã hội. Giáo viên, các bậc phụ huynh và bác sĩ khoa nhi cần phải nắm rõ mức độ phụ thuộc mạng xã hội của con em mình".
Sigman nhận định, cách tốt nhất để loại bỏ những vấn đề nêu trên chính là cố gắng hạn chế và sử dụng mạng xã hội đúng lúc. Các nhà nghiên cứu cho rằng, phụ huynh cần kiểm soát việc sử dụng của con em, đồng thời tạo ra những khu vực trong nhà không thể truy cập internet như là phòng ngủ.
Đồng quan điểm, Primack cũng cho biết ông không kêu gọi mọi người ngưng sử dụng mạng xã hội, song cần nhận thức được mức độ và khoảng thời gian sử dụng hợp lý. Thậm chí ngay cả đối với người lớn cũng cần cố gắng kiểm soát để không biến mạng xã hội trở thành mối nguy hại đến sức khoẻ bản thân.
Theo Zing