Một vụ rò rỉ tài liệu mật lớn chưa từng có tiết lộ hàng trăm người giàu và quyền lực trên thế giới sử dụng các thiên đường trốn thuế để che giấu tài sản như thế nào.
Ảnh: BBC |
Hãng tin BBC đã nêu ra các chi tiết liên quan đến bê bối chấn động thế giới có tên gọi Hồ sơ Panama này:
Hồ sơ Panama là gì?
Đó là các tài liệu phơi bày cách thức các khách hàng của Mossack Fonseca có thể rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế.
Trong một trường hợp cụ thể, Mossack Fonseca đã cho một triệu phú Mỹ hồ sơ quyền sở hữu giả để giấu tiền khỏi nhà chức trách. Đây là một sự vi phạm trực tiếp các quy định quốc tế về ngăn chặn nạn rửa tiền và trốn thuế.
Những ai có tên?
Có nhiều mối liên hệ với 12 nguyên thủ hoặc cựu nguyên thủ trong hồ sơ. Hơn 60 người thân hoặc cộng sự của lãnh đạo và chính trị gia nhiều nước cũng dính dáng.
Một phần hồ sơ nêu tên một thành viên then chốt của Ủy ban Đạo đức FIFA, luật sư Juan Pedro Damiani người Uruguay, cùng công ty của ông này đã cung cấp sự hỗ trợ pháp lý cho ít nhất 7 công ty nước ngoài có liên quan đến cựu Phó Chủ tịch FIFA bị bắt hồi tháng 5 năm ngoái về tham nhũng bóng đá.
Trốn thuế như thế nào?
Mặc dù có nhiều cách hợp pháp để sử dụng các thiên đường trốn thuế, hầu hết được nêu trong hồ sơ ở dạng che giấu chủ sở hữu thực của khoản tiền, nguồn gốc tiền và tránh né đóng thuế cho khoản tiền đó.
Một số trường hợp liên quan đến thành lập các công ty vỏ bọc, có vẻ đang kinh doanh hợp pháp nhưng thực chất là "trống rỗng", không làm gì ngoài quản lý tiền và giấu kín danh tính của chủ tiền.
Những người liên quan nói gì?
Mossack Fonseca khẳng định công ty đã hoạt động suôn sẻ 40 năm mà chưa bị cáo buộc hay kết tội làm sai.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố các thông tin là do "các nhà báo và thành viên các tổ chức khác đang ra sức làm mất uy tín của Putin và ban lãnh đạo Nga".
FIFA cho biết đang tiến hành điều tra ông Damiani.
Ai tiết lộ Hồ sơ Panama?
Tổng cộng 11,5 triệu tài liệu đã được tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung nắm trong tay và chia sẻ với Hiệp hội Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ).
ICIJ sau đó làm việc với các nhà báo từ 107 tổ chức truyền thông ở 76 nước, trong đó có báo Anh The Guardian, để tiến hành phân tích các tài liệu trong vòng một năm.
BBC khẳng định không biết danh tính của nguồn tiết lộ.
Đây là vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử, vượt xa số lượng tài liệu mà WikiLeaks công bố. Tổng cộng, chi tiết của 214.000 thực thể, gồm các công ty, quỹ tín thác và hiệp hội, bị rò rỉ.
Thông tin trong các tài liệu có từ năm 1977 và tiếp tục cho tới tận tháng 12 năm ngoái. Thư điện tử là hạng mục lớn nhất của Hồ sơ Panama nhưng bên cạnh đó còn có vô số hình ảnh của các hợp đồng và hộ chiếu.
Thanh Hảo
Rò rỉ tài liệu khổng lồ về nơi giới siêu giàu giấu tiền Tập tài liệu Panama tiết lộ cách thức và nơi mà những người giàu có trên thế giới che giấu tiền, rửa tiền và trốn thuế. Kim Jong-un khác cha đẻ thế nào? Tuy mới lên nắm quyền chưa đầy 4 năm, Kim Jong-un đã chứng tỏ một phong cách lãnh đạo khác biệt so với cha mình. Thế giới 24h: Phanh phui bí mật của giới siêu giàu Rò rỉ tài liệu trốn thuế lớn chưa từng có; cựu tướng của Trung Quốc bị cáo buộc nhận hối lộ... là các tin đáng chú ý trong 24h qua. |