Theo tiếng Hán, thất là “bảy”, tịch là “chiều tối”. Từ đó, Thất tịch có nghĩa là “chiều tối ngày mùng 7 âm lịch”. Vì vậy, lễ Thất tịch diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ Thất tịch sẽ rơi vào thứ Bảy, ngày 10/8 dương lịch.

Lễ Thất tịch còn được gọi là tết Ngâu hoặc ngày ông Ngâu bà Ngâu. Ngày lễ này gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ.

Tương truyền, Ngưu Lang là một chàng trai chăn trâu rất chăm chỉ. Nhờ tính cách lương thiện, Ngưu Lang có được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ. Nàng là con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc.

Hai người kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo nhưng bị chặn lại bởi sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm và tiên. Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.

ảnh 1   thất tịch 2024.png
Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau mỗi năm một lần. Ảnh: Pinterest

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, người ta gọi đó là sao Ngưu Lang. Cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, Vương Mẫu đồng ý cho họ mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày Thất tịch.

Cuối ngày Thất tịch, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt khi phải chia ly. Nước mắt của họ rơi xuống trần và hóa thành cơn mưa phùn dai dẳng, được người đời gọi là mưa Ngâu. Dựa vào hiện tượng thời tiết này, người Việt còn gọi ngày 7/7 âm lịch là ngày ông Ngâu bà Ngâu.

Sự tích về ngày Thất tịch còn có thêm một số biến thể, nhưng tựu trung lại vẫn ca ngợi tình yêu chung thủy và nỗi nhớ mong trong tình yêu.

(Tổng hợp)