Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển của các tác giả Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh vừa giành giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2023 được đánh giá là cuốn sách có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

W-z5042282872753-b2df0c8ad703ef4da619c7da573ffcc6-1.jpg

Tác phẩm tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đó là 1 dự án và 3 đề tài khoa học, công nghệ ở cấp quốc gia được thực hiện, hoàn thành tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam liên tục từ những năm cuối thế kỷ 20 cho đến hiện tại.

Cuốn sách gồm 4 chương, trình bày cô đọng, tổng hợp những nội dung phong phú, sâu rộng về việc xây dựng và ứng dụng cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển.

Chương 1 tổng hợp giới thiệu Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển (viết tắt là UNCLOS), còn được gọi là Hiến pháp về đại dương thế giới với những điều luật và quy định về quyền lợi, trách nhiệm của các quốc gia có biển xác định phạm vi giới hạn vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước mình.

Chương 2, 3 trình bày nội dung cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo các quy định và điều lệ của UNCLOS. Chương 4 giới thiệu các phương án ứng dụng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý nói trên nhằm xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam.

"Chuyên khảo này có giá trị khoa học và thực tiễn cao vì lần đầu tiên xây dựng được một cơ sở khoa học, cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển. Do đó, nó được sử dụng chính thức trong quản lý biển đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh và quốc phòng trên vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, sách còn được sử dụng như một trong những tài liệu phục vụ giáo dục và tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền quốc gia trong chiến lược biển của Việt Nam", bà Phạm Thị Hiếu - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.