Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 10 - 11/2023, được đánh giá là một sự kiện lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, khi lãnh đạo hai bên nhất trí nâng quan hệ hai quốc gia lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện - cấp quan hệ ngoại giao cao nhất giữa các quốc gia.

Cũng trong chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ, hai nước đã ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đây không chỉ là thành quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden mà là thành quả của sự trải nghiệm, thấu hiểu trong quá trình xây dựng quan hệ của hai quốc gia suốt mấy chục năm qua. Có thể nói, đây là sự cụ thể hóa tầm nhìn về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nửa đầu thập niên 1940. 

Ý nghĩa hơn, ngày nay tầm vóc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ mang lại những thành quả quan trọng đối với kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của hai nước mà còn có vai trò, vị trí rất lớn đối với hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Qua đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước xứ Cờ Hoa và mối quan hệ của hai quốc gia. 

Hoa Kỳ, một trong những đích đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

Trong một lần trả lời một nhà văn Hoa Kỳ, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (một trong những danh xưng thời trai trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. [1]

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman năm 1946

Rồi Nguyễn Tất Thành đã vượt nửa vòng quả đất đến với với Hoa Kỳ ở tận Tây bán cầu trong hai năm 1912 - 1913, để tìm hiểu và học hỏi con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Bởi, dưới sự lãnh đạo của George Washington (về sau trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên), nhân dân Hoa kỳ đã đứng lên đánh đuổi thực dân Anh và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ giành được độc lập vào năm 1776. Đây cũng là cuộc cách mạng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu khai sáng ở thế kỷ XVIII không chỉ ở bắc Mỹ mà cả ở châu Âu...

Trong thời gian ở Hoa Kỳ, Nguyễn Tất Thành chủ yếu sống ở TP. Boston để tìm hiểu, học hỏi về cách mạng giải phóng thuộc địa vì đây là cái nôi của Cuộc cách mạng giải phóng Hoa Kỳ khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Hơn nữa, Boston còn là thành phố tri thức, có trên 60 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Harvard nổi tiếng thế giới.

Điều có ý nghĩa nhất đối với Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Boston là Người đã đến với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và quan điểm Tư tưởng về “một chính phủ của dân, do dân và vì dân” của A. Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

Có thể nói đây là những sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Nguyễn Tất Thành bởi bản Tuyên ngôn cũng như tư trưởng về xây dựng nhà nước của Lincoln đã truyền cảm hứng cho Người trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Và được Người chọn lọc, vận dụng những nội dung mang tính khai sáng vào bản tuyên ngôn độc lập năm 1945, đó là  “... mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của nhân dân...”.

Không những vậy, nhãn quan về chế độ thực dân Pháp đối với thuộc địa trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam do Người soạn thảo có nhiều điểm tương đồng với nhãn quan về chế thực dân Anh trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do Thomas Jefferson soạn thảo (sau này Jefferson trở thành Tổng thống thứ 3 của Mỹ).

Có sự việc rất thú vị, là chiếc bàn Nguyễn Tất Thành làm bánh ngọt của khách sạn Ommi Parker House, nơi Người làm đầu bếp trong thời gian sinh sống và hoạt động ở Boston, đến nay vẫn được khách sạn gìn giữ và họ tự hào ghi sự kiện này vào lịch sử 150 năm của Khách sạn và và lịch sử của TP. Boston. [2]

Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh đã chủ động mở đường xây dựng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Sau 30 năm bôn ba qua hàng chục quốc gia để tìm con đường cứu nước, năm 1941, Người trở về nước lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhận thức được vai trò, vị thế của Hoa Kỳ không chỉ là một siêu cường về kinh tế, quân sự của thế giới mà còn là một trung tâm hàng đầu của nhân loại về giáo dục, khoa học & công nghệ và thu hút nhân tài. Cho nên Hoa Kỳ có tầm ảnh hưởng, chi phối rất lớn đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới cả hiện thời và tương lai. Vì vậy, đồng thời với việc xây dựng lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với lực lượng quân đội Mỹ đồn trú ở Trung Quốc.

Cơ hội để Người thực hiện mục tiêu trên đây đã đến. Tháng 2/1945, máy bay của Trung úy phi công Hoa Kỳ là William Shaw bị quân đội Nhật bắn rơi ở Việt Bắc. William được lực lượng Việt Minh cứu, Hồ Chí Minh đã trực tiếp đưa viên phi công trao trả cho Bộ tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam. Tranh thủ cơ hội này, Người đã gặp và trao đổi, đàm đạo với tướng Chenault, Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc. Bước đầu, thiết lập được mối quan hệ với đại diện Quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật.

Chỉ sau hơn một năm đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống Harry Truman và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, giới thiệu tình hình Đông Dương, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương”. Qua đó cho thấy Người đã dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam, xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Các bức thư, điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman và Richard Nixon được trưng bày tại Đường Xoài Khu di tích tại Phủ Chủ tịch năm 2021

Bức thư ngày 01/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Tổng thống Truman giúp đỡ đào tạo cho 50 thanh niên của Việt Nam viết:

“Thưa Ngài!

Nhân danh Hội văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.

Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp.

Trong suốt nhiều năm nay, họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.

Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp thuận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất”. [2]

Quan điểm và hành động trên đây cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua sự chi phối của ý thức hệ, đi trước thời đại về thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế giữa các thể chế chính trị khác nhau, nhằm phục vụ cho mục tiêu giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Trong bối cảnh thời bấy giờ với quan điểm đấu tranh giai cấp cực đoan ngự trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, mà lại là Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy Người vừa có tầm nhìn chiến lược vừa là người có bản lĩnh sắt đá, chí khí dũng cảm, quyết đoán.

Tiếc rằng, lúc đó Pháp là “đồng minh chiến lược” của Mỹ còn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn quá non trẻ, … nên Herry Truman Tổng thống Hoa Kỳ đã chọn giải pháp im lặng trước tình cảm nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nước Mỹ.

Vì vậy, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã rẽ sang một hướng khác đầy đau thương, mất mát. Hoa Kỳ đã tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Sau khi Pháp thua trận, Mỹ trực tiếp can dự, đưa quân xâm lược Việt Nam (1964 - 1975). Tiếp đến là thời kỳ Mỹ thực hiện bao vây, cấm vận Việt Nam (1975 - 1994). Có thể nói đây là giai đoạn lịch sử bi thương nhất trong quan hệ Việt - Mỹ.

Nhưng với sự phát triển tất yếu của văn minh nhân loại, lấy dân chủ thay cường quyền. Vì vậy, quan điểm hòa giải, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành quan điểm tiến bộ, nhân văn. Và trở thành quan điểm chung của các quốc gia yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng công lý.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp và chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Joe Biden trưa 11/9 tại Phủ Chủ tịch.

Minh chứng hùng hồn nhất là quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, từ cựu thù vượt lên quá khứ đau thương để đón nhận một tương lai của tiến bộ, dựa trên sự thống nhất và đoàn kết của hai dân tộc và trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Đánh giá về sự kiện hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ trở thành đối tác chiến lược toàn diện, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với quan hệ hai nước mà còn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ và sự kiện lãnh đạo hai quốc gia nâng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện càng ý nghĩa và thú vị khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Joe Biden cuốn sách “Một con người, một con đường và một lịch sử: HỒ CHÍ MINH - THƯ GỬI NƯỚC MỸ’’. Đó là con Người Hồ Chí Minh. Đó cũng là con đường dân tộc Việt Nam đã lựa chọn. Và đó là lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh và văn minh.

Nguyễn Huy Viện

[1]. Báo Nhân Dân, số: 4062, ngày 18-5-1965.

[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4 (1945-1946), trang 80-81.

Tổng thống Joe Biden và quyền lực mềm trong đối ngoạiKhi trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ông Joe Biden trong mắt cử tri là một chính trị gia Mỹ điển hình với đời tư trong sáng, phong thái mẫu mực, những hành xử trách nhiệm và đạo đức cả trong đời tư và trong thời gian công vụ trước đây.