Nói đây là cuộc trùng phùng của các cố nhân, bởi 8 năm trước, trong chyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự tiệc chiêu đãi do ông Joe Biden- khi ấy trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ chủ trì. Tại đây, bất ngờ, ông Joe Biden đã đọc hai câu Kiều để nói về mối quan hệ của hai nước Việt – Mỹ :

“ Trời còn có để hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nâng ly tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chính phủ Mỹ năm 2015 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Câu chuyện làm nhiều người nhớ lại chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton. Tại buổi chiêu đãi do Chủ tịch nước Trần Đức Lương tổ chức, Tổng thống Mỹ đã dùng hai câu Kiều để nói về cơ hội khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong quan hệ hai nước:

“Sen tàn Cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”

Mượn quy luật vận động tự nhiên để khẳng định sự phát triển tất yếu trong quan hệ Mỹ – Việt: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng mà cả hai nước đều có trách nhiệm xây dựng. Hết mùa hạ thì Sen tàn; sang thu  thì Cúc lại nở hoa; hết những ngày Đông u ám, tất sẽ là mùa Xuân tươi sáng. Hết chiến tranh là hòa bình, hết đối đầu ta lại làm bạn với nhau…

Không cần diễn văn dài dòng, không viện dẫn kinh điển, người đứng đầu nước Mỹ chỉ dùng hai câu Kiều để nói về một vấn đề rất quan trọng cần phải thay đổi trong quan hệ giữa hai quốc gia từng đối đầu trong nhiều năm. Thật tuyệt!

Thực ra thì quan hệ Việt - Mỹ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề từ gần 80 năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hai nước bỏ lỡ cơ hội bắt tay nhau. Thậm chí là đã gây ra bao nỗi đau thương mất mát cho nhân dân hai nước. Nhưng cũng chính từ cuộc chiến tranh mà người Mỹ gây ra ở miền Nam Việt Nam đã làm xuất hiện một chàng sinh viên có tinh thần phản đối chiến tranh quyết liệt. Đó là Bill Clinton.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi trở thành ông chủ Nhà trắng, một trong những việc quan trọng của Tổng thống Bill Clinton là bãi bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việc mà như ông nói là “thời khắc tự hào nhất trong cuộc đời Tổng thống của tôi”.

Ngày 11/7/1995, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam

Dư luận Việt Nam ngày ấy đã rất ngạc nhiên và hứng thú nghi nghe Bill Clinton lẩy Kiều. Nhưng người đứng đầu nước Mỹ chắc cũng không quá rảnh rỗi đi nửa vòng trái đất đến Việt Nam chỉ để lấy Kiều cho vui. Mà ông đã biết chọn văn hóa làm chất dẫn chuyện để chuyển tải một thông điệp quan trọng về mối quan hệ giữa hai quốc gia lúc bấy giờ. Rằng, giai đoạn ngờ vực đã hết, hận thù đã khép lại, mùa đông lạnh giá đã qua, giờ là lúc hai nước Mỹ - Việt hãy bắt tay đón xuân về.

Một mùa xuân với những tia nắng ấm của hữu nghị và hợp tác. Nhiều người hẳn còn nhớ lời tuyên bố của ông: “Chúng tôi vinh dự được cùng các Ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam. Chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Lịch sử chúng ta để lại rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng không để nó chi phối. Quá khứ chỉ là cái đến trước, chứ không phải là cái quyết định tương lai”.

Một lần nữa, văn hóa lại được vận dụng để diễn đạt chí lý thành quả quan hệ ngoại giao cũng như triển vọng hợp tác, đối tác toàn diện giữa hai nước, đúng như hai câu Kiều mà phó Tổng thống Joe Biden đã dùng trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015:

“Trời còn có để hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”

Sau những đám mây đen, bầu trời lại hửng sáng. Sương đã tan nơi đầu ngõ, cùng nhau vén mây giữa trời để quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng sáng rỡ. Hướng đến hạnh phúc của con người luôn là nền tảng văn hóa để khỏa lấp những khác biệt, tạo nên một thế giới yên bình, hợp tác và phát triển trong tương lai!

Giờ thì trên cương vị đứng đầu nước Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam lần này đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Nhất là khi chuyến thăm được thực hiện chỉ hơn 5 tháng sau cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3 năm nay giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, với nhiều lời kiến nghị và cam kết giữa hai nhà lãnh đạo về việc tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng-an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế.

Xem Việt Nam là đối tác quan trọng, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, xem sự tôn trọng lẫn nhau là nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.

Chưa biết có câu Kiều nào sẽ được “lẩy” trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam lần này, nhưng có một thực tế là từ hai nước đối đầu trong quá khứ, theo thời gian, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành “đối tác toàn diện” của nhau. Đó là thành công ngoài mong đợi, phù hợp với xu thế hoà bình, hợp tác của thời đại. Quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tốt hơn, vì thành quả này được xây đắp và thử thách qua một quá trình lâu dài, bởi những nhà lãnh đạo có lương tri.

Kể từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD lên gần 140 tỷ USD năm 2022. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.

10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 139 tỷ USD vào năm ngoái. Mỹ trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.

Mỗi năm có từ 23.000 - 25.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Mỹ luôn trong top 5 về khách du lịch đến Việt Nam, với khoảng 800.000 lượt/năm.

Nguyễn Vân Thiêng

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình quan hệ Việt - MỹNăm 1913, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, rời nước Mỹ, mang theo cảm hứng và ký ức về nội dung tinh túy trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, để về sau làm lời mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam.