Nếu sợ hãi sẽ thua cuộc

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho hay: "Cũng giống như ta đá bóng, rất muốn thắng nhưng gặp trở ngại là trời mưa to. Khi đó, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến trời mưa, chúng ta thua.

Nếu chúng ta sợ thua rút hết về phòng vệ để không thủng lưới, chúng ta không thắng. Vì vậy, muốn chiến thắng được trận bóng này, chúng ta phải tính toán, vừa phòng thủ thật chặt, hàng công cũng sẵn sàng. Chúng ta phải nghĩ đến thiệt mình thiệt người, cân nhắc lợi mình lợi người".

Đây cũng là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường khi chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc bắt đầu có nhiều vấn đề cần suy nghĩ, ông Quang nhấn mạnh, cần mở rộng để chuyển dịch, tăng cường, phát triển, đi ra cạnh tranh công bằng với thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hãy xem đó là cơ hội để bứt phá

Còn bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ kiêm Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee), chia sẻ: Trong “Nguy” luôn luôn có “Cơ”, hãy bình tĩnh để tìm thấy cơ hội cho mình, cho doanh nghiệp. Đây là thời cơ tốt nhất để chúng ta soát xét, nhìn nhận và cấu trúc lại doanh nghiệp, phải có cái nhìn dài hạn hơn, đừng vì khó khăn trước mắt mà bỏ qua những cơ hội đưa doanh nghiệp tiến xa hơn.

Theo bà Dung, một khi doanh nghiệp càng đối mặt với khó khăn thì lại càng phải giữ vững tinh thần lạc quan để chiến thắng trên mọi phương diện.

{keywords}
9X tiền tỷ mua cổ phiếu, làm chủ tịch CLB bóng đá

Khi dịch bệnh tác động xấu đến nền kinh tế, nếu doanh nghiệp nào có sự cải tiến, mới mẻ sẽ dễ được đón nhận và có cơ hội phát triển tốt hơn về sau. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng phải nỗ lực hơn trước nhiều lần chứ không nên nản chí, buông xuôi trong lúc này.

Tuy nhiên, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng chỉ ra điểm yếu cốt lõi của các DN vừa và nhỏ: "Thường làm nhanh, chớp thời cơ nhanh mà không nghĩ đến việc xây dựng nền móng vững chắc". Đây là điểm yếu cần thay đổi càng sớm càng tốt.

“Chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi, với tư duy tích cực, tôi tin là tất cả chúng ta đều mạnh mẽ để vươn lên và vươn xa dù trong bất cứ khó khăn nào. Hãy luôn chia sẻ niềm tin và tràn đầy năng lượng để cùng nhau tiến lên", bà Cao Thị Ngọc Dung cho lời khuyên.

Con trai Trần Đình Long đăng ký mua 400 tỷ đồng cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa thông báo cổ đông nội bộ là ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG trong bối cảnh cổ phiếu bị bán tháo theo thị trường chung.

Cụ thể, ông Trần Vũ Minh sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 17/3/2020 (thứ Ba tuần sau) đến ngày 16/4/2020, giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Với mặt bằng giá hiện tại, số cổ phiếu trên có trị giá gần 400 tỷ đồng.

Ở thời điểm hiện tại cá nhân ông Trần Vũ Minh không nắm giữ cổ phiếu HPG, công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong do ông Minh làm Giám đốc đang nắm giữ 1,3 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 0,05% tập đoàn).

Giá cổ phiếu HPG từ đầu năm đến nay giảm một mạch từ 23.500 đồng/cp xuống 19.250 đồng/cp (giảm 18%), nếu so với đỉnh thiết lập ngày 22/1, giá cổ phiếu HPG đã giảm 26,8%).Chủ tịch Trần Đình Long hiện nay đang nắm giữ 700 triệu cổ phiếu HPG, tỷ lệ 25,35%, vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền nắm giữ 202,55 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 7,34%. Như vậy nếu giao dịch thành công, gia đình ông Trần Đình Long sẽ nắm giữ 923,85 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 33,46%).

Tính từ đầu năm đến nay, giá trị tài sản của gia đình ông Long tính theo giá cổ phiếu đã mất khoảng 3.841 tỷ đồng.

Con trai chủ tịch chia chục tỷ mua cổ phần

Con trai của ông Đỗ Quang Hiển cũng đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội và có thời điểm lãi hơn 200 tỷ sau một tháng. Cụ thể, cuối tháng 1, ông Đỗ Vinh Quang - con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch ngân hàng SHB đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2.

Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/cp. Tuy nhiên, tới 5/3, cổ phiếu này đã tăng lên gần 13 ngàn đồng/cp, trước khi về trở lại mức 11.200 đồng.

Với mức giá này, con trai của "bầu Hiển" vẫn lãi khoảng 200 tỷ đồng.

Trong năm 2019, con trai ông Lê Viết Hải là Lê Viết Hiếu cũng đã trở thành cổ đông của Xây dựng Hòa Bình (HBC). Ông Hiếu đã mua 200 ngàn cổ phiếu HBC trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục lao dốc trước đó.

Trong tháng 2/2020, ái nữ Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương thay cha là ông Trần Quý Thanh đầu tư gần 300 tỷ đồng mua 6,05 triệu cổ phần Yeah1 (YEG) trong bối cảnh cổ phiếu này giảm giá mạnh.

Cổ phiếu YEG sau đã tăng mạnh sau khi thông tin về việc bán cổ phần của chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho “đối tác chiến lược”. Cổ phiếu YEG đã tăng mạnh từ mức 38.000 đồng/cp hồi đầu tháng 2 lên mức 83.000 đồng trước khi trở lại mức 71.400 đồng/cp như hiện tại.

Ông lớn dịch vụ hàng không mất giá gần 50%

Cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco - tụt giảm xuống chỉ còn 23.500 đồng/cp khi kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3.

Như vậy, tính từ tháng 8/2019 tới nay, cổ phiếu Sasco đã giảm khoảng 49%, từ đỉnh cao 46.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống 23.500 đồng/cp trong phiên 9/3.

Tại Sasco, ông Hạnh Nguyễn nắm chức Chủ tịch HĐQT, còn vợ - bà Lê Hồng Thủy Tiên - cũng là thành viên HĐQT. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (phần sở hữu bởi Bộ GTVT) là cổ đông lớn với hơn 49%. Cổ đông ngoài nhà nước lớn nhất là doanh nghiệp của nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn (69 tuổi).

{keywords}
Ông Hạnh Nguyễn

Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn nắm giữ gần 25% tại Sasco. Bên cạnh đó, 2 công ty con của IPP Group là Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) cũng đang lần lượt nắm giữ 15,4% và 4,9% tại Sasco.T

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (69 tuổi) được biết đến là một doanh nhân thành đạt, sở hữu hàng loạt doanh nghiệp thời trang nổi tiếng như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Âu Châu, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh.

Quốc Cường Gia Lai tăng trần 11 phiên liên tiếp

Trong bối cảnh thị trường chung chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, động thái của QGC gây chú ý. QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn tăng trần phiên thứ 11 liên tiếp từ phiên ngày 27/2, tăng gần 110% từ 3.740 đồng lên 7.800 đồng, thanh khoản cũng tăng vọt những phiên gần đây.

Nhiều ý kiến cho rằng QCG đang kỳ vọng vào tương lai mới sau cuộc họp với UBND Tp.HCM cùng doanh nghiệp bất động sản vào sáng ngày 22/2 vừa qua.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm CEO Quốc Cường Gia Lai - cho biết Công ty hiện có 6 dự án bất động sản đang bị ách tắc, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt là dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, Tp.HCM), nhiều giấy tờ pháp lý đã hết hạn, đối tác nước ngoài bắt đầu nản và có ý định rút vốn.

"Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng khi dòng tiền thu - chi không chủ động được, mặt khác định kỳ phải trả lãi vay và lãi cho các đối tác kinh doanh", bà Loan nhấn mạnh.

Được biết, dự án Phước Kiển có diện tích 91ha, dự kiến mang lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho QCG (~60.000-70.000 tỷ). Dự án được UBND Tp.HCM chấp thuận đầu tư từ 2017, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ tháng 4/2017 (thời điểm này cổ phiếu QCG cũng từng bật tăng trần liên tiếp), tuy nhiên đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất để thực hiện.

Bảo Anh