LỜI TÒA SOẠN

Giải trình cuối phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng ngày 1/11, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và tiếp tục gia tăng không ngừng. Nguyên nhân một phần là do số trẻ đi học tăng lên nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện nay các tỉnh vẫn còn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Lý do là có nơi dành để trừ vào 10% cắt giảm, nếu cần có sẵn để trừ nhưng cũng có những nơi không có nguồn để tuyển.

Tuy nhiên Giáo viên: Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc là thực tế đang diễn ra tại các địa phương. VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả chia sẻ của một người đã nói lời chia tay sau nhiều năm gắn bó với công việc này. 

Tôi từng là một giáo viên Mỹ thuật bậc THCS. Giữa lúc câu chuyện cả nước thiếu 127.583 giáo viên cùng với 17.278 giáo viên nghỉ và chuyển việc đang rất nóng, tôi muốn chia sẻ vài lời để giãi bày về tâm tư của một người phải từ bỏ nghề nghiệp ban đầu mình đã chọn.

Những tháng ngày khó quên 

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở rìa một thị trấn nhỏ, tại một tỉnh miền núi phía Bắc. Mẹ mất sớm, rồi bố tôi cũng qua đời khi tôi lên cấp 3. Họ hàng đùm bọc tôi những tháng ngày sau đó. Tôi học sư phạm Mỹ thuật một phần vì thích, nhưng chủ yếu do được miễn học phí và trong họ có người hứa giúp xin việc cho sau khi ra trường. 

Người họ hàng này đã thực hiện lời hứa với cô sinh viên sư phạm nghèo côi cút, đến giờ tôi vẫn rất biết ơn. Ra trường, tôi được nhận vào dạy hợp đồng tại một trường THCS ngay thị trấn, với mức lương hơn 700 nghìn đồng/tháng. Sau đó, quả thực cũng nhờ có người thân và do môn tôi dạy có suất biên chế nhưng không có giáo viên, tôi thi và trúng tuyển. Thu nhập hàng tháng tăng gấp 3, lên hơn 2 triệu đồng.  

Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc dậy sớm nấu cơm ăn sáng và để cho bữa trưa, rồi đạp xe đi làm. Tôi là giáo viên trẻ nên phải tham gia cả công việc Đoàn, Đội. Vì vậy, dù không có tiết đầu giờ, tôi vẫn phải đến sớm. Đến trường, tôi xem có phải đổi tiết với giáo viên nào không, nếu không thì dạy theo thời khóa biểu đã được sắp xếp. Lúc trống tiết không được nghỉ, tôi còn vô khối việc phải làm.

Trường dạy 2 buổi, nên khoảng 10h30 hết tiết, tôi đạp xe ra chợ mua ít đồ ăn cho bữa tối và ngày hôm sau, "định mức" chỉ 20, 30 nghìn/ngày. Hầu như hôm nào tôi cũng phải đi chợ vì nhà không có tủ lạnh, không thể mua dự trữ cho vài ngày.

Hơn 11h về đến nhà, tôi lại nấu vội thức ăn, để đấy rồi tranh thủ lên vạt núi sau nhà lấy củi. 12h30 tôi về, tắm rửa, ăn cơm và tranh thủ nghỉ ngơi. Đến 13h30, tôi quay lại trường, kịp vào tiết lúc 13h45.

Bây giờ theo Chương trình phổ thông mới, tôi nghe nói giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc thiếu nhiều. Còn khi đó, ở một thị trấn nhỏ miền núi, môn Mỹ thuật tôi dạy được coi là môn phụ ở trường. Chẳng ai quan tâm và đương nhiên chẳng ai cho con học thêm Mỹ thuật, nên tôi chỉ có nguồn thu duy nhất là lương. 

Tôi vẫn đặc biệt nhớ một lần, khi đang là giáo viên hợp đồng, còn 4 ngày nữa mới tới kỳ nhận lương nhưng tôi cạn sạch tiền. Mới về trường chưa thân quen ai, cũng không thể vay mượn họ hàng, nên cứ đến bữa tôi ra vườn mót mấy cái lá già ở khóm rau đay mang vào nấu bát canh suông, ăn với chút cá khô còn lại. Mấy con cá khô cũng phải tính bữa để chia cẩn thận mà ăn dè cho đến ngày nhận lương.

Thiếu thốn là vậy nhưng đến trường tôi vẫn tươi cười, che đi sự khốn khó của bản thân. Sau này, khi lương đã cao hơn, tôi vẫn giữ thói quen mỗi lần nhận lương là lại đi ăn một bữa "thịnh soạn" hơn bình thường, mua một, hai món đồ nào đó, chủ yếu là quần áo, như một cách "bù" cho quãng thời gian túng thiếu. 

Những giờ họp liên miên và "núi" sổ sách giáo án

Điều làm tôi chán ngán nhất khi còn công tác là những cuộc họp. Đến giờ, tôi vẫn không thể hiểu tại sao nhiều cuộc họp nhiều thế. Nếu lỡ ai có để xảy ra sai sót sẽ bị đem ra mổ xẻ, chất vấn lại các cuộc họp này.

Rồi trước mỗi lần Phòng GD-ĐT về thanh tra - rất thường xuyên, tất cả lại nháo nhào xem sổ sách đủ chưa, còn gì chưa cập nhật không… Các cuộc họp có thể diễn ra trong giờ hoặc cuối giờ. Nếu diễn ra trong giờ, tôi phải cho học sinh nghỉ tiết đó, sau dạy bù. Còn họp ngoài giờ, đương nhiên là về muộn, kéo theo một loạt công việc khác tôi phải mang về nhà làm bị muộn theo. 

Sổ sách cũng là điều gây mệt mỏi vô cùng. Nào sổ điểm nhỏ, sổ điểm con, sổ báo bài, giáo án… tất cả khi đó đều phải viết tay, bởi công nghệ thông tin chưa phát triển như hiện tại. Thú thực nếu có cho dùng máy tính, tôi cũng chẳng đủ tiền mua dùng.

10 năm nghỉ việc, đến giờ có lúc tôi vẫn mơ thấy bị đi trễ giờ dạy, bị kiểm tra giáo án chưa kịp soạn. Ngoài sự vất vả về cơm áo gạo tiền hay chuyên môn, quãng thời gian đi dạy của tôi còn gặp áp lực từ chính đồng nghiệp.

Như việc tôi may mắn được vào biên chế cũng khiến không ít người không hài lòng. Mỗi lần nghe lời bóng gió, tôi chỉ biết cúi mặt làm ngơ. Khi học ở trường sư phạm, đương nhiên tôi được dạy soạn giáo án. Nhưng khi đi dạy, người hướng dẫn lại soạn giáo án kiểu khác.

Tôi vẫn nhớ những lần soạn đúng như được học nhưng sai theo ý người hướng dẫn là bị mắng xơi xơi ngay giữa phòng hội đồng... Họ mắng khi chưa hướng dẫn tôi một lời nào. Sau khi mắng, mới bắt đầu chỉ phải làm thế này hay thế khác. 

Một mình tôi dạy một bộ môn – hay nói cách khác trong trường chỉ có mình tôi được đào tạo bài bản về môn Mỹ thuật, nhưng kỳ lạ thay, ai cũng có thể đánh giá. Vì bị coi là môn phụ nên ai cũng có thể dự giờ và đánh giá chất lượng giảng dạy của tôi. 

Một vấn đề nữa là ngành nào cũng có KPI, nhưng KPI của giáo dục vô cùng áp lực. Chúng tôi được quán triệt đã dạy là không được để học sinh đúp, vì nếu có học sinh đúp sẽ ảnh hưởng đến thi đua.

Do đó học sinh kém cũng phải cho thi để lên lớp trên. Sau đó, giáo viên lớp trên vừa phải dạy chương trình chung, vừa cố kèm học sinh học kém để em bắt kịp các bạn. Cuối năm, tình huống cũ lại được lặp lại.

Quyết định không dễ dàng

Còn một chuyện nữa… Những ngày trường có cơ quan, ban ngành đến thăm, hết phần lễ hay kiểm tra xong, ban giám hiệu và một số nhân sự của trường sẽ đưa khách đi ăn uống. Vì tôi là giáo viên trẻ và làm phong trào nên thường xuyên phải có mặt ở những cuộc này. 

Đến một lần, sau khi ăn xong, mọi người bắt tay chào nhau ra về. Có một vị khách lớn tuổi vừa nắm vừa gãi gãi vào lòng bàn tay của tôi. Lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ chào rồi về trường nghỉ để chờ dạy tiết buổi chiều.

Buổi chiều hôm đó, trong một thoáng, tôi đột nhiên nhận ra ý nghĩa của hành động lúc trưa. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy giật mình, buồn tủi khi nghĩ rằng mình có thể bị coi thường đến mức như vậy.

Sau cuộc họp lê thê cuối giờ chiều, trong đó, bị trách vì một chuyện rất nhỏ nhặt, tôi cảm thấy không thể tiếp tục kéo dài... Khi đó tôi đi dạy được khoảng 7 năm, tổng thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tôi nhanh chóng quyết định nghỉ việc vào miền Nam vì có hai người bạn thân từ nhỏ đang ở Bình Dương.

Mười năm trôi qua, đất phương Nam ưu ái, tôi gặp may khi tìm được nhiều cơ hội việc làm tốt ở đây, gặp người hiện tại là chồng tôi, gây dựng được gia đình nhỏ và hiện buôn bán khá thuận lợi.

Mặc dù đã nghỉ việc, tôi vẫn giữ thói quen đọc mọi thứ liên quan tới giáo viên cũng như học trò. Càng đọc, tôi càng thán phục những người đến lúc này vẫn giữ được lửa nghề, cho dù tôi biết rằng nhiều người đi dạy vì không thể kiếm kế sinh nhai khác. Đa phần những người vui vẻ với nghề là các thầy cô dạy môn chính như Toán, Văn, Anh hoặc những người có thể dạy thêm, chỉ do với họ nghề này là "cần câu cơm" cũng ổn, thậm chí đem lại cuộc sống sung túc.

Quý độc giả có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn. 

Ghi theo lời kể của chị L.H (Bình Dương)